nho giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(儒教) Chỉ cho sự giáo hóa của nhà Nho, tức là tư tưởng truyền thống của đức Khổng tử (552-479 trước Tây lịch). Nho giáo có những sinh hoạt mang tính tông giáo như: Tế trời, sùng bái Tổ tiên, thờ cúng Khổng tử… gây ảnh hưởng rất lớn trong xã hội truyền thống. Các nhà đại Nho từ xưa như Đổng trọng thư, Hàn dũ, Khang hữu vi… đã tận lực biến Nho gia thành Nho giáo. Thuyết luân lí tu kỉ trị nhân (sửa mình trị người)của Nho gia mang đậm màu sắc của tư tưởng chính trị. Trung tâm của tư tưởng này là Nhân….. Nói theo nghĩa rộng, Nhân là từ gọi chung tất cả đức mục; còn nói theo nghĩa hẹp, thì Nhân tức là yêu người. Nhân kết hợp với Nghĩa, Lễ, Trí và Tín thành là Ngũ thường, cũng gọi là ngũ đức. Vào cuối thời kì Xuân thu, xã hội Trung hoa phân hóa, sa đọa, chính trị bại hoại, đạo đức suy đồi, văn hóa luân lí trụy lạc, đức Khổng tử ra sức cổ động các nước chư hầu thi hành nhân chính, bắt chước Nghêu, Thuấn, Văn, Vũ để khôi phục trật tự xã hội thời Tây Chu. Sang thời Chiến quốc, ngài Mạnh tử nối theo học thuyết của đức Khổng tử, tận lực đề xướng nhân nghĩa, xét đến bản tính nội tại của con người mà chủ trương thuyết Tính thiện và đề cao Vương đạo luận để xiển dương bản tính thiện ấy. Trái lại, Tuân tử thì chủ trương thuyết Tính ác, cho rằng bản tính là ác nên phải dùng lễ nghĩa và sự giáo hóa của Thánh nhân để ước thúc những hành vi của con người, khiến họ hướng thiện. Về sau, Tần thủy hoàng phá bỏ hết, đốt sách, chôn học trò, cực lực chống đối Nho gia và các học phái khác. Đến đời Hán, Vũ đế áp dụng chính sách của Đổng trọng thư, độc tôn Nho giáo. Năm Kiến nguyên thứ 5 (136 tr. TL), đặt chức Bác sĩ trông coi về Ngũ kinh(Thi, Thư, Dịch, Xuân thu và Lễ), Ngũ kinh bèn trở thành học trình của giai cấp chính trị. Bởi vậy, suốt từ đời Hán đến đời Thanh truyền thống tư tưởng Nho gia là cột trụ của các thể chế vương triều, cũng là khuôn phép sinh hoạt của quốc dân nói chung. Qua các thời đại Nam Bắc triều đến Tùy, Đường, Phật giáo và Đạo giáo hưng thịnh, thế lực của Nho gia suy yếu dần. Hàn dũ soạn sách Nguyên đạo , ra sức cổ vũ việc khôi phục đạo của tiên vương, muốn xây dựng Đạo thống quan Nho giáo để chống lại Phật giáo và Đạo giáo. Tư tưởng của họ Hàn đã mở đường cho Nho học đời Tống. Nho học đời Tống được gọi là Tống học, Đạo học, Lí học, Lí khí học, Tính lí học, Chu tử học, Trình chu học, Tân nho học… nêu lên những vấn đề như bản thể vũ trụ, tâm tính con người, lí và khí, thảo luận về đạo tu thân, kì vọng xác lập 1 nền luân lí đạo đức chung cho loài người. Đứng về phương diện Nho giáo truyền thống mà nói, thì Tống học đã thêm vào cho Nho giáo cái tính tông giáo và triết học, chẳng hạn những vấn đề lí, tâm tính và triết học là những cái mà bậc tiên Nho ít bàn đến. Tóm lại, Tống học muốn trung hưng Nho học để chặn đà phát triển của Phật giáo và Đạo giáo, nhưng vô hình trung Tống học đã sử dụng lí luận và phương pháp của Phật giáo và Đạo giáo, đặc biệt là chịu ảnh hưởng tư tưởng Hoa nghiêm, Thiền của Phật giáo và Thiên đạo quan của Đạo giáo; vì thế, 1 mặt mạnh mẽ phê phán học thuyết của Phật và Đạo, mặt khác lại điều hòa với 2 học thuyết ấy. Chu đôn di mở đầu phong trào Lí học, soạn Thái cực đồ thuyết, chủ trương vũ trụ vạn vật phát sinh từ bản thể Thái cực, người đứng đầu muôn vật, có đầy đủ thiện tính ngũ hành, được phát huy 1 cách thích đáng tức là nhân nghĩa. Kế tiếp, Trình hạo, Trình di và Trương tái xiển dương cái học Lí, Khí, trở thành 3 phái Lí học đời Bắc Tống. Chu hi đời Nam Tống tập đại thành Lí học, chủ trưởng Đạo thuộc hình nhi thượng, vô hình vô ảnh, là nguyên lí hoặc khái niệm trừu tượng. Còn Khí thì thuộc hình nhi hạ, hữu hình hữu tướng, là sự vật cụ thể. Lại nữa, Lí là đạo của hình nhi thượng, là gốc của muôn vật; Khí là khí của hình nhi hạ, là cụ thể của muôn vật, cho nên chủ trương Lí, Khí nhị nguyên luận. Nhưng Lục cửu uyên phản đối học thuyết này của Chu hi và đề xướng Nhất nguyên luận Tâm tức lí. Các Nho gia Kim lí tường, Hứa hành… đời Nguyên tôn sùng học thuyết Trình, Chu. Vương thủ nhân đời Minh thì kế thừa học thuyết Tâm tức lí, sáng lập học phái Dương minh đối kháng lại với học thuyết của Chu tử. Đến đời Thanh, các Nho gia muốn tìm lại cái chân tướng của Khổng học, bèn trút bỏ cái vỏ Tống học để theo đuổi công tác khảo chứng, chú giải các sách xưa, Cố viêm vũ mở đầu phong trào này. Nhiều học giả khảo chứng nối tiếp xuất hiện, phê phán 1 cách nghiêm túc Chu tử học, xiển minh nghĩa lí Ngũ kinh, lấy khảo chứng làm trọng tâm học thuật của thời đại. Nhưng cái học khảo chứng dần dần đi đến chỗ chi li, suy cứu, chú giải từng câu, từng chữ, thiếu tinh thần hoạt bát, không thể tạo nên được một hệ thống tư tưởng sinh động độc lập nên bị chê là xơ cứng. Đến thời cận đại, trong tư tưởng giới đã xảy ra các cuộc tranh luận bài Khổng, tôn Khổng. Đầu năm Dân quốc (1912), Khang hữu vi tổ chức Hội Khổng giáo ở Thượng hải, chủ trương lập Khổng giáo làm quốc giáo. Mặt khác, phong trào Ngũ tứ vận động nêu ra khẩu hiệu Âu hóa toàn diện, tư tưởng Nho gia bị phê phán rất khắt khe. Trước tình hình ấy, 1 số nhà Nho cố gắng giải thích Nho học như 1 thứ tông giáo nhân văn để mong vãn cứu phần nào giá trị đạo thống Nho gia đang hồi tuột dốc. Nhưng điều kiện cũng như cấu trúc xã hội ngày nay đã thay đổi, Nho giáo khó có thể khôi phục được vai trò lãnh đạo xã hội như xưa và có lẽ cũng chỉ còn là vang bóng của 1 thời đã qua! [X. Nhân văn chủ nghĩa dữ tông giáo (Mâu tông tam); Tân nguyên đạo (Phùng hữu lan)].