nhiếp luận tông

Phật Quang Đại Từ Điển

(攝論宗) Tông phái dựa theo luận Nhiếp đại thừa mà được thành lập, là 1 trong 13 tông phái của Phật giáo Trung quốc, tôn ngài Chân đế làm Tổ khai sáng. Năm Thái thanh thứ 2 (548) đời Lương, ngài Chân đế nhận lời thỉnh của vua Vũ đế vào Kiến khang, rồi vì chiến loạn nên ngài phải lưu lạc các nơi. Năm Thiên gia thứ 4 (563), ngài trụ ở chùa Chế chỉ tại Quảng châu, phiên dịch luận Nhiếp đại thừa 3 quyển của ngài Vô trước và Nhiếp đại thừa luận thích 12 quyển của ngài Thế thân. Đồng thời soạn Nghĩa sớ 8 quyển, biệt dịch Quyết định tạng luận, Tam vô tính luận, Chuyển thức luận và soạn Cửu thức nghĩa kí… tạo thành học thuyết của 1 tông. Ngoài ngài Chân đế, các nhà truyền dịch luận Nhiếp đại thừa và Nhiếp đại thừa luận thích, còn có các ngài: Phật đà phiến đa đời Bắc Ngụy, Đạt ma cấp đa và Hành cự đời Tùy, Huyền trang đời Đường và còn có bản dịch Tây tạng. Nhưng tông Nhiếp luận chỉ dùng bản dịch của ngài Chân đế là chỗ y cứ chính mà thôi. Về môn nhân của ngài Chân đế thì có các vị Tuệ khải, Tào tì, Pháp thái, Tăng tông, Đạo ni, Pháp hoài, Tuệ khoáng… đều nối tiếp nhau hoằng dương Nhiếp luận tại miền Nam. Kịp đến đệ tử của ngài Đạo ni là các vị Đạo nhạc, Trí quang, Tuệ hưu… vào năm Khai hoàng thứ 10 (590), vâng sắc chỉ của vua theo thầy vào Trường an thì từ đó về sau ở miền Nam không còn ai chủ giảng Nhiếp luận. Trước đó, vào năm Khai hoàng thứ 7 (587), ngài Đàm thiên đã vào Trường an để tuyên giảng luận Nhiếp đại thừa. Về sau, vua Văn đế xây chùa Thiền định, thỉnh ngài Đàm thiên trụ trì, ngài lần lượt soạn Nhiếp luận sớ 10 quyển, Cửu thức chương… chùa Thiền định bèn trở thành trung tâm của tông Nhiếp luận. Sau khi thầy trò ngài Đạo ni lên miền Bắc thì phong trào học tập nghiên cứu Nhiếp luận lại càng thịnh, rất nhiều nhân tài xuất hiện. Kể từ Trần qua Tùy đến Đường, lần lượt có các vị: Pháp thường, Trí nghiễm, Tuệ hưu, Linh phạm, Thần chiếu, Đạo kiệt, Tăng vinh, Tuệ tiến, Tĩnh tung, Trí ngưng, Pháp hộ, Đạo nhân, Tăng biện, Trí tắc, Đạo tích, Đạo cơ, Thiện tuệ… đều tận lực hoằng truyền giáo nghĩa Nhiếp luận, hưng thịnh 1 thời. Đến đời Đường, ngài Huyền trang tuyên dương Du già Duy thức, đem luận Nhiếp đại thừa xếp vào làm 1 trong 11 bộ luận được luận Thành duy thức viện dẫn, từđó tông Nhiếp luận dần dần suy vi, cuối cùng, không còn là 1 tông phái độc lập nữa mà bị nhiếp thuộc vào tông Pháp tướng. Luận Nhiếp đại thừa lập 10 loại Thắng tướng, lấy thức A lại da làm chỗ nương của các pháp, thuyết minh tướng của tất cả các pháp đều có 3 tính: Biến kế sở chấp, Y tha khởi và Viên thành thực. Từ đó nhập vào Duy thức quán, tu Lục ba la mật, chứng Thập địa Bồ tát, vào Vô trụ xứ Niết bàn được trí Vô phân biệt, hiển hiện 3 thân Phật. Giáo nghĩa chủ yếu của tông Nhiếp luận là nhằm thuyết minh quan điểm của luận Nhiếp đại thừa. Ngoài 8 thức ra, ngài Chân đế còn dựa vào kinh Lăng già, Quyết định tạng luận… mà đề xướng nghĩa 9 thức, tức ngoài thức A lại da thứ 8 lại lập thêm thức A ma la thứ 9, cho rằng thức A lại da thứ 8 là hữu lậu tùy miên thức, thức A ma la thứ 9 mới là chân thường tịnh thức. [X. Pháp hoa huyền nghĩa Q.5; Duy ma kinh huyền sớ Q.2, 3, 5; Tứ phần luật sớ sức tông nghĩa kí Q.3, phần đầu; Nhiếp đại thừa luận sớ Q.5; Nhiếp đại thừa luận sao; Nhiếp đại thừa luận chương Q.1; Nhiếp luận chương Q.1; Nhiếp đại thừa nghĩa chương Q.4; Tục cao tăng truyện Q.1-4, 10-15, 17, 18, 22, 24-29; Tống cao tăng truyện Q.2; Khai nguyên thích giáo lục Q.7, 8] .(xt. Cửu Thức Nghĩa, A Ma La Thức).