nhiếp đại thừa luận thích

Phật Quang Đại Từ Điển

(攝大乘論釋) Sách chú thích luận Nhiếp đại thừa của ngài Vô trước. I. Nhiếp Đại Thừa Luận Thích. Phạm: Mahàyàna-saôgraha-bhàwya. Tác phẩm, do ngài Thế thân soạn, có 3 bản Hán dịch: 1. Bản do ngài Chân đế dịch vào đời Trần, gồm 12 quyển, có thuyết nói 15 quyển. Cũng gọi Lương dịch Nhiếp đại thừa luận thích, Nhiếp luận thích, Lương thích luận, được dịch vào năm Thiên gia thứ 4 (563) ở chùa Chế chỉ tại Quảng châu do ngài Tuệ khải ghi chép. 2. Bản do ngài Đạt ma cấp đa và Hành cự cùng dịch vào năm Khai hoàng thứ 10 (590) đời Tùy, gồm 10 quyển, tựa đề là Nhiếp đại thừa luận thích luận, cũng gọi Tùy dịch Thế thân Nhiếp luận. 3. Bản do ngài Huyền trang dịch vào năm Trinh quán 21 đến 23 (647-649) đời Đường, gồm 10 quyển. Người đời gọi là Đường dịch Thế thân Nhiếp luận. Cả 3 bản dịch trên đây đều được thu vào Đại chính tạng tập 31. Trong đó, bản dịch của ngài Chân đế chỉ rõ thể của 8 thức là 1, chủng tử và hiện hành cùng 1 thể và có nói về tên khác của thức A đà na thứ 7. Những điểm này không thấy có trong 2 bản dịch đời Tùy và Đường. Còn những chỗ khác nhau cũng rất nhiều. Điều này là vì giữa các đệ tử của ngài Thế thân có những kiến giải bất đồng, bèn căn cứ vào Thích luận của Ngài mà thêm bớt, cho nên giữa các nguyên bản dịch cũ và mới tất có chỗ khác nhau. Chính ngài Chân đế khi phiên dịch, muốn cho nghĩa lí được sáng tỏ hơn, nên cũng từng có chỗ bổ sung. Bộ sách chú thích này chủ yếu được tông Nhiếp luận sử dụng. Còn các nhà Pháp tướng đời Đường thì chuyên dùng bản dịch của ngài Huyền trang. Ngài Pháp tạng thuộc tông Hoa nghiêm thì căn cứ theo bản dịch (cũ)của ngài Chân đế mà phối hợp với thuyết Thủy giáo và Chung giáo trong Ngũ giáo.Trong các bản chú sớ về sách này hiện còn thì có: Nhiếp luận chương, Nhiếp đại thừa luận sao, Nhiếp đại thừa luận sớ, Nhiếp đại thừa luận nghĩa kí, Nhiếp đại thừa luận Thiên thân thích lược sớ… [X. Lịch đại tam bảo kỉ Q.13; Pháp kinh lục Q.5; Ngạn tông lục Q.2; Đại đường nội điển lục Q.5; Khai nguyên thích giáo lục Q.7, 8]. II. Nhiếp Đại Thừa Luận Thích. Phạm: Mahàyàna-saôgrahopani= bandhana. Cũng gọi Vô tính Nhiếp đại thừa luận thích, Vô tính Nhiếp luận. Tác phẩm, 10 quyển, do ngài Vô tính soạn, ngài Huyền trang dịch vào đời Đường, được thu vào Đại chính tạng tập 31. Bộ sách này có lẽ đã được biên soạn đồng thời với Nhiếp đại thừa luận thích của ngài Thế thân, nhưng rành rọt hơn. Đối với các tiền đề như: Đại ý về Thù thắng ngữ của Thập tướng thù thắng trong phần Tổng tiêu cương yếu, lí do tại sao Thanh văn thừa không nói về thức A lại da trong phần Sở tri y, các thuyết khác nhau về thức A lại da của các vị Luận sư, 21 thứ công đức và 16 nghiệp sai biệt của Phật trong phần Sở tri tướng, 11 thứ khác nhau về hiện quán của Thanh văn Bồ tát trong phần Nhập sở tri tướng và công đức của Pháp thân trong phần Quả đoạn v.v… và v.v… đều được giải thích 1 cách rõ ràng, tỉ mỉ. Trong luận Thành duy thức có rất nhiều chỗ căn cứ theo bộ sách này. Trong Thành duy thức luận thuật kí, ngài Khuy cơ cũng thường viện dẫn tác phẩm này để giải thích ý nghĩa. Về chú sớ thì có: Vô tính thích luận sớ, 4 quyển, của ngài Trí nghiễm, Vô tính Thích luận cổ tích kí, 1 quyển, của ngài Đại hiền (người Nhật)… nhưng rất tiếc là đều đã thất lạc. [X. Tục cao tăng truyện Q.13; Đại đường nội điển lục Q.5; Khai nguyên thích giáo lục Q.8].