nhiễm tịnh nhị pháp

Phật Quang Đại Từ Điển

(染淨二法) Cũng gọi Tịnh pháp bất tịnh pháp. Từ ngữ gọi chung cho Nhiễm pháp và Tịnh pháp. Nhiễm nghĩa là phiền não nhơ nhớp, là pháp của vô minh; Tịnh nghĩa là trong sạch, xa lìa phiền não, là pháp của pháp tính. Theo Nhiếp đại thừa luận thích quyển 13 thì sinh tử là Bất tịnh phẩm, Niết bàn là Tịnh phẩm. Luận Thành duy thức quyển 3 (Đại 31, 14 trung) nói: Các pháp tạp nhiễm là Khổ đế, Tập đế, tức là những pháp thường dẫn đến thụ sinh và hoặc nghiệp. Các pháp thanh tịnh là Diệt đế, Đạo đế, tức là các pháp hay chứng Niết bàn và đạo. Đoạn văn trên đây ý nói pháp sinh tử bất tịnh là Nhiễm pháp; trái lại, pháp Niết bàn hoặc Diệt đế, Đạo đế là Tịnh pháp. Còn luận Đại thừa khởi tín thì cho rằng cảnh giới do vô minh vọng hiện là Nhiễm pháp, tịnh tướng của chân như là Tịnh pháp. Nhiễm pháp từ vô thủy đến nay huân tập không dứt, cho đến sau khi thành Phật mới đoạn diệt hết. Tịnh pháp huân tập cũng không có gián đoạn, vì thế vô minh huân tập cũng gọi là nhiễm pháp huân tập hoặc Nhiễm huân; chân như huân tập cũng gọi là Tịnh pháp huân tập hay Tịnh huân. Pháp hoa kinh huyền nghĩa thích tiêm quyển 14 (Đại 33, 919 thượng) nói: Vô minh che pháp tính, tạo đủ các pháp, gọi là Nhiễm; pháp tính chiếu vô minh, ứng khắp mọi duyên, gọi là Tịnh. Nước đục, nước trong, sóng và tính ướt không khác. Trong đục tuy tương tức nhưng do duyên mà đục thành ra bản hữu(có sẵn), đục tuy bản hữu nhưng toàn thể là trong. Thập bất nhị môn chỉ yếu sao quyển hạ cũng nói: Do tâm còn bị phiền não trói buộc mà tạo ra các pháp, một và nhiều trở ngại lẫn nhau, niệm niệm tham đắm, gọi là Nhiễm. Khi tâm lìa chướng ứng phó các duyên, một và nhiều tự tại, niệm niệm xả li, gọi là Tịnh. [X. luận Thành duy thức Q.4; luận Biện trung biên Q.thượng; Đại thừa chỉ quán pháp môn Q.1].