nhị vãng sinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(二往生) Tông Tịnh độ chia hành thể và tướng trạng của sự vãng sinh Tịnh độ làm 2 phần trong 4 mục như sau: 1. Niệm Phật vãng sinh và Chư hạnh vãng sinh. – Niệm Phật vãng sinh: Do hồi hướng về nguyện lực đại bi của đức Phật A di đà, phát đại tín tâm, vào Tam muội niệm Phật mà vãng sinh Tịnh độ. Hoặc 1 lòng chí thành xưng niệm danh hiệu của Phật A di đà, hoặc hồi hướng định thiện, tán thiện mà được vãng sinh, nhưng đều lấy việc niệm Phật làm gốc.- Chư hạnh vãng sinh: Do tu các hạnh vạn thiện, như hiếu dưỡng cha mẹ, kính thờ thầy tổ, bố thí, nhẫn nhục… mà hồi hướng vãng sinh. 2. Tức tiện vãng sinh và Đương đắc vãng sinh. – Tức tiện vãng sinh: Vãng sinh liền. Nghĩa là lúc bình sinh phát được 3 thứ tâm (Thâm tâm, Chí thành tâm, Hồi hướng phát nguyện tâm)thì ở ngay nơi thân ô uế và đất nước này đã thầm được lợi ích là mau chóng chứng thân vô sinh, đồng thời đã được liệt vào hàng các Thánh chúng trang nghiêm cõi Tịnh độ. – Đương đắc vãng sinh: Sẽ được vãng sinh. Nghĩa là lúc lâm chung được đài hoa đến đón, vãng sinh về cõi Báo độ chân thực của đức Phật A di đà. 3. Tức vãng sinh và Tiện vãng sinh. – Tức vãng sinh: Vãng sinh ngay. Nghĩa là nhờ cơ duyên của nguyện thứ 18 mà vãng sinh ngay về cõi Báo độ chân thực của đức A di đà. – Tiện vãng sinh: Vãng sinh liền. Nghĩa là nhờ cơ duyên của các điều nguyện thứ 19 và thứ 20 mà vãng sinh liền về cõi Hóa độ của đức Phật A di đà. 4. Thể thất vãng sinh và Bất thể thất vãng sinh. – Thể thất vãng sinh: Thể mất vãng sinh. Nghĩa là khi uế thân này mất rồi mới được vãng sinh. – Bất thể thất vãng sinh: Không mất thể vãng sinh. Nghĩa là lúc còn sống, được nghe danh hiệu của Phật, dốc lòng tín niệm thì tức đã thành tựu sự nghiệp, được lợi ích vãng sinh rồi, chứ không phải chờ đến lúc mất uế thân này mới được vãng sinh. [X. kinh Quán vô lượng thọ; Tuyển trạch bản nguyện niệm Phật tập Q.thượng; Giáo hành tín chứng hóa độ quyển, phần đầu].