nhị thập ngũ đế

Phật Quang Đại Từ Điển

(二十五諦) Hai mươi lăm nguyên lí chân thực. Phái Triết học Số luận của Ấn độ chủ trương Nhị nguyên, cho rằng vũ trụ vạn hữu được hình thành bởi Thần ngã (Phạm: Puruwa–nguyên lí tinh thần) và Tự tính (Phạm:Prakfti–nguyên lí vật chất) rồi chia quá trình chuyển biến của thế giới làm 25 thứ, cho đó là lí chân thực nên gọi là Nhị thập ngũ đế. Quá trình chuyển biến đó là: Từ tự tính sinh ra giác(cũng gọi là đại, là quan năng giác tri tồn tại trong thể, tức trí quyết đoán); từ giác lại sinh ra ngã mạn của ý thức tự ngã(ngã chấp); rồi lại từ ngã mạn sinh ra 5 yếu tố(ngũ đại): Đất, nước, lửa, gió, không. Tám thứ nêu trên là cội gốc sinh ra muôn vật, cho nên được gọi là Căn bản tự tính. Rồi lại từ 5 yếu tố sinh ra 5 duy: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, 5 tri căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân (da),5 tác căn: Lời nói, tay, chân, sinh thực khí, bài tiết khí, cho đến sinh ra tâm căn (16 thứ nói trên đây đều từ vật khác sinh ra, cho nên gọi là Thập lục biến dị – 16 thứ đổi khác). Như vậy là từ tự tính sâu kín hiển hiện ra 23 thứ như giác, ngã mạn… cộng thêm 2 thứ Tự tính và Thần ngã thành 25 đế. Trên đây là thuyết xưa, ngoài ra còn có nhiều thuyết khác nữa. Tự tính vốn do 3 yếu tố(3 đức): Thuần chất (Hỉ, Phạm:Sattva, Hán âm: Tát đỏa –mừng), Kích chất (Phạm:Rajas, Hán âm: La xà –lo) và Ế chất (Phạm: Tamas, Hán âm: Đa ma –tối tăm) cấu tạo thành. Nếu trạng thái thăng bằng của 3 yếu tố ấy bị phá vỡ, thì phải xét đến mối quan hệ giữa Thần ngã và Tự tính, để làm cho nội trí được hoàn toàn quân bình, thì Thần ngã có thể thoát ra khỏi sự trói buộc của vật chất, mà đạt đến giải thoát để trở lại trạng thái thuần tịnh lúc ban đầu. [X. luận Kim thất thập Q.thượng]. (xt. Ngã Mạn Đế, Số Luận Học Phái).