nhị thập không

Phật Quang Đại Từ Điển

(二十空) Hai mươi thứ không. Phẩm Học quán trong kinh Đại bát nhã quyển 3 nêu lên 20 thứ không là: 1. Nội không: Sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thuộc pháp bên trong vô thường, vô ngã, là Không. 2. Ngoại không: Sáu cảnh sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thuộc pháp bên ngoài vô thường, vô ngã, là Không. 3. Nội ngoại không: Sáu căn, 6 cảnh đều không. 4. Không không: Cái không cũng lại là không, tức không chấp trước tất cả pháp trong ngoài là không, chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tính tự nhiên như thế.5. Đại không: Mười phương đông, tây, nam, bắc, 4 góc, trên, dưới đều không. 6. Thắng nghĩa không: Niết bàn thắng nghĩa cũng là không. 7. Hữu vi không: Cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc hữu vi đều không. 8. Vô vi không: Vô vi không sinh, trụ, dị, diệt là không, nhưng cái không ấy cũng là không nên không chấp trước. 9. Tất cánh không: Không chấp trước các pháp rốt ráo không thực có. 10. Vô tế không: Quá khứ, hiện tại, vị lai không thực có, thời gian qua lại cũng không thực có, cũng không chấp trước cái không ấy. 11. Tán không: Các pháp phóng tán khí xả cũng là không. 12. Vô biến dị không: Các pháp không phóng tán khí xả, không biến dị, cái không biến dị ấy cũng là không, không thật có. 13. Bản tính không: Bản tính của tất cả pháp dù hữu vi hay vô vi, đều chẳng phải do Thanh văn, Độc giác tạo ra, mà bản tính ấy xưa nay vốn là không. 14. Tự tướng không: Tự tướng của tất cả pháp như tự tướng của sắc biến ngại, thụ, tưởng, hành, thức… đều là không. 15. Cộng tướng không: Cộng tướng của tất cả pháp, như khổ là cộng tướng của pháp hữu lậu, vô thường là cộng tướng của pháp hữu vi, không, vô ngã là cộng tướng của tất cả pháp… đều là không, không thực có. 16. Nhất thiết pháp không: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, hữu sắc vô sắc, hữu lậu vô lậu, hữu kiến vô kiến, hữu đối vô đối, hữu vi vô vi… hết thảy các pháp đều là không, mà cũng chẳng chấp trước cái không ấy. 17. Bất khả đắc không: Tất cả pháp Hữu trong 3 đời đều không thực có nên không chấp trước. 18. Vô tính không: Không 1 chút tính nào có thể duyên theo được nên là vô tính; cái vô tính ấy cũng không thể nào tưởng tượng được nên là không. 19. Tự tính không: Tự tính của các pháp hòa hợp không có thực thể, cho nên là không. 20. Vô tính tự tính không: Vô tính và tự tính đều là không. [X. phẩm Biện đại thừa trong kinh Đại bát nhã ba la mật đa Q.51; phẩm Quán chiếu kinh Đại bát nhã ba la mật đa Q.403] (xt. Không).