nhị thân

Phật Quang Đại Từ Điển

(二親) I. Nhị Thân. Chỉ cho 2 loại Phật thân. 1. Sinh thân và Hóa thân: a) Sinh thân: Thân Phật giáng sinh trong cung vua, xuất gia tu hành thành đạo. b) Hóa thân: Các loại thân như trời, người, rồng, quỉ… do Phật dùng sức thần thông biến hóa ra để độ sinh. 2. Sinh thân và Pháp thân: a) Sinh thân: Theo thuyết Tiểu thừa là thân giáng sinh trong cung vua, còn theo thuyết Đại thừa thì là thân ứng hóa tùy cơ hiện sinh. b) Pháp thân: Theo thuyết Tiểu thừa là công đức giới, định, tuệ; còn theo Đại thừa thì là chân thân lí và trí thầm hợp. Tức trong 3 thân thì Pháp thân và Báo thân hợp chung lại làm Pháp thân, còn Ứng thân là Sinh thân.[X. kinh Đại niết bàn Q.34 (bản Bắc); luận Đại trí độ Q.9; Đại thừa nghĩa chương Q.19]. 3. Pháp thân và Giải thoát thân: a) Pháp thân: Thân có vô lượng công đức thù thắng. b) Giải thoát thân: Thân xa lìa sự trói buộc của các phiền não. [X. kinh Giải thâm mật Q.5; luận Du già sư địa Q.78]. 4. Pháp tính thân và Ứng hóa pháp thân, cũng gọi Nhị chủng pháp thân. a) Pháp tính thân: Thực trí từ pháp tính lưu xuất. b) Ứng hóa pháp thân: Tất cả thân từ pháp tính ứng hiện. Hai loại thân này chung cho cả Phật và hàng Bồ tát Thập địa. [X. kinh Bồ tát anh lạc bản nghiệp Q.thượng]. 5. Tịch tĩnh pháp giới thân và Nhân thân. 6. Pháp tính thân và Phụ mẫu sinh thân, cũng gọi Pháp tính sinh thân và Tùy thế gian thân, Pháp tính sinh thân Phật và Tùy chúng sinh ưu liệt hiện hóa Phật, Chân thân và Hóa thân. a) Pháp tính thân: Thân tướng hảo trang nghiêm, có vô lượng ánh sáng và âm thanh. b) Phụ mẫu sinh thân: Thân vì chúng sinh mà chịu các tội báo. [X. luận Đại trí độ Q.9]. 7. Ngôn thuyết pháp thân và Chứng đắc pháp thân: a) Ngôn thuyết pháp thân: Pháp thân vốn vô tướng, lìa các ngôn thuyết, nhưng nếu không nhờ ngôn thuyết thì không hiển bày, vì thế nên gọi là Ngôn thuyết pháp thân. b) Chứng đắc pháp thân: Pháp thân vốn đầy đủ, nhưng vì các phiền não vô minh che lấp nên không hiển hiện, nhờ có tu hành mới chứng được, nên gọi là Chứng đắc pháp thân.[X. Kim cương bát nhã kinh luận Q.thượng]. 8. Chân Phật và Phi chân Phật: Chỉ cho Pháp thân và Ứng hóa thân. Pháp thân là Phật gốc, Ứng hóa thân là Phật ngọn, vì thế chia ra Chân và Phi chân. [X. Kim cương bát nhã kinh luận Q.thượng]. 9. Như lưu tinh thân và Như nhật thân: a) Như lưu tinh thân: Thân như sao băng, đi đến thế giới ở các phương khác. b) Như nhật thân: Thân như mặt trời ở giữa hư không, đồng thời chiếu sáng khắp tất cả mọi nơi. [X. Thập địa kinh luận Q.1]. 10. Pháp tính pháp thân và Phương tiện pháp thân: a) Pháp tính pháp thân: Thân từ Phương tiện pháp thân sinh ra. b) Phương tiện pháp thân: Thân từ Pháp tính pháp thân sinh ra. [X. Vãng sinh luận chú]. 11. Thực tướng thân và Vị vật thân: a) Thực tướng thân: Thân do đức Phật tự chứng. b) Vị vật thân: Thân vì hóa độ chúng sinh mà thị hiện. [X. Vãng sinh luận chú]. (xt. Thực Tướng Thân Vị Vật Thân). 12. Chân thân và Ứng thân: a) Chân thân: Trí đức của chính mình, tức là Pháp thân. b) Ứng thân, cũng gọi Cộng thế gian thân: Thân vì độ thoát chúng sinh mà hóa hiện.[X. Đại thừa nghĩa chương Q.19; Hoa nghiêm kinh sớ sao huyền đàm Q.3]. 13. Lí pháp thân và Trí pháp thân: a) Lí pháp thân: Lí là tính đức, tức thể tính trong sáng xưa nay vốn lìa niệm, cũng như hư không, chư Phật và chúng sinh đều cùng 1 tướng, gọi là Lí pháp thân. b) Trí pháp thân: Trí là tu đức, tức trí thủy giác cứu cánh khế hợp với lí của bản giác thanh tịnh, lí và trí dung hòa, sắc và tâm chẳng hai, nên gọi là Trí pháp thân. [X. Đại minh tam tạng pháp số Q.4]. II. Nhị Thân. Chỉ cho Phần đoạn thân và Biến dịch thân.Phần đoạn thân là thân phần đoạn sinh tử; Biến dịch thân là thân biến dịch sinh tử. (xt. Sinh Tử).