nhị song tứ trọng

Phật Quang Đại Từ Điển

(二雙四重) Hai đôi bốn lớp: Thụ xuất và Hoành xuất; Thụ siêu và Hoành siêu. Thụ xuất, Hoành xuất gọi là Nhị xuất; Thụ siêu, Hoành siêu gọi là Nhị siêu. Đây là giáo phán của Tịnh độ chân tông Nhật bản, do Sơ tổ Thân loan thành lập. Cứ theo Ngu thốc sao quyển thượng, giáo pháp do đức Phật nói trong 1 đời được chia làm Thánh đạo giáo và Tịnh độ giáo, trong đó, có Đại thừa và Tiểu thừa khác nhau. Trong Đại thừa lại chia thành Đốn giáo và Tiệm giáo, lại Đốn, Tiệm mỗi giáo đều lập Nan hành đạo và Dị hành đạo. Trong Tiệm giáo, Nan hành đạo Thánh đạo quyền giáo gọi là Thụ xuất, phối hợp với giáo pháp tu hành trải qua nhiều kiếp của tông Pháp tướng; còn gọi Dị hành đạo Tịnh độ yếu môn thì gọi là Hoành xuất, phối hợp các pháp định tán, tam phúc, biên địa vãng sinh nói trong kinh Quán vô lượng thọ. Trong Đốn giáo, Nan hành đạo Thánh đạo thực giáo gọi là Thụ siêu, phối hợp với giáo pháp Tức thân thành Phật của Thiền, Chân ngôn, Thiên thai, Hoa nghiêm…; còn Dị hành đạo Tịnh độ bản nguyện chân thực thì gọi là Hoành siêu, phối hợp với giáo pháp Tuyển trạch bản nguyện chân thực báo độ tức đắc vãng sinh được nói trong kinh Vô lượng thọ. Trong đó, Tiệm giáo là xuất, Đốn giáo là siêu, Tự lực Thánh đạo là thụ, Tha lực Tịnh độ là hoành. Ngoài ra, từ ngữ Hoành siêu có nguồn gốc từ nhóm từ Hoành tiệt ngũ ác thú(cắt ngang 5 đường ác)trong kinh Vô lượng thọ quyển thượng và Hoành siêu đoạn tứ lưu (vượt ngang dứt 4 dòng – dục, tham, tà kiến, vô minh), trong Huyền nghĩa phần Quán vô lượng thọ Phật kinh sớ quyển 1 của ngài Thiện đạo. Từ ngữ Thụ siêu là đối lại với 2 nhóm từ trên mà được lập ra. Còn các từ Thụ xuất và Hoành xuất thì có nguồn gốc từ thuyết Hoành thụ nhị xuất trong Lạc bang văn loại quyển 4 của ngài Tông hiểu (1151-1214) đời Tống.