nhị quả

Phật Quang Đại Từ Điển

(二果) I. Nhị Quả. Chỉ cho Tập khí quả và Báo quả. 1. Tập khí quả, cũng gọi Sở y quả. Tương đương với Đẳng lưu quả. Do khí phần huân tập thiện ác ở đời trước mà chiêu cảm quả báo ở đời này, gọi là Tập khí quả. Như đời trước làm thiện thì đời này có tâm thiện; đời trước tạo ác thì đời này mang tâm ác. 2. Báo quả: Tương đương với Dị thục quả. Do đời trước gieo nhân thiện ác mà đời này cảm quả báo khổ vui, gọi là Báo quả. Như đời trước gieo nhân lành thì đời này được quả vui sướng, giầu có; đời trước gây nhân ác thì đời này cảm quả khổ đau, nghèo khó… [X. Câu xá thích luận Q.3, 5; Đại minh tam tạng pháp số Q.6]. II. Nhị Quả. Chỉ cho Tăng thượng quả và Dị thục quả. 1. Tăng thượng quả: Năm căn là chỗ nương của thức, căn hàm ý là thêm lên, cho nên gọi là Tăng thượng quả. Lại như ý thức hay dẫn sinh ra niệm trước làm chỗ nương cho niệm sau của 5 thức trước và thức thứ 7 (Phân biệt thức), thức thứ 8(Tàng thức)làm chỗ nương cho thức thứ 7, cho nên đều gọi là Tăng thượng quả. 2. Dị thục quả: Quả báo chín mùi ở thời gian khác. Có thể chia ra 2: a) Chân dị thục: Thức thứ 8 có năng lực chứa đựng tất cả chủng tử của các pháp để thành thục quả của các căn thức. Đây là nghiệp báo chung của đời trước đối với quả báo của đời này. b) Dị thục sinh: Từ chủng tử trong thức thứ 8 sinh ra các căn thức tức là nghiệp báo riêng của đời trước đối với quả báo ở đời này.[X. Đại minh tam tạng pháp số Q.6]. III. Nhị Quả. Phạm: Sakfdàgamin. Quả thứ 2 trong 4 quả Thanh văn, tức là quả Nhất lai; dịch âm là Tư đà hàm. (xt. Tư Đà Hàm).