nhị như

Phật Quang Đại Từ Điển

(二如) Hai loại chân như. Có các thuyết sau đây: I. Nhị Như. Chỉ cho Tùy duyên chân như và Bất biến chân như. 1. Tùy duyên chân như: Chân như không giữ tự tính, nếu theo duyên nhơ thì sinh ra pháp nhơ; nếu theo duyên sạch thì sinh ra pháp sạch. 2. Bất biến chân như: Chân như giữ tự tính, mặc dù theo duyên mà thành các pháp thiên sai vạn biệt nhưng không mất tính chân như. Tùy duyên chân như có năng lực sinh ra tất cả pháp thế gian và xuất thế gian, đó là An lập chân như; còn Bất biến chân như thì vốn vắng lặng vô vi, xa lìa các tướng, đó là Phi an lập chân như. Tùy duyên chân như như sóng, Bất biến chân như như nước, nước bất biến mà nổi lên sóng, còn sóng tùy duyên mà không mất tính nước. Vì chân như tùy duyên nên chân như tức vạn pháp; vì chân như bất biến nên vạn pháp tức chân như. [X. Đại thừa khởi tín luận nghĩa kí Q.thượng]. II. Nhị Như. Chỉ cho Li ngôn chân như và Y ngôn chân như. 1. Li ngôn chân như: Bản thể của chân như là cảnh của trí quán, lìa tất cả ngôn thuyết. 2. Y ngôn chân như: Tướng trạng của chân như có thể dựa vào ngôn thuyết để phân biệt. [X. luận Đại thừa khởi tín]. II. Nhị Như. Chỉ cho Nhất không chân như và Bất không chân như. 1. Nhất không chân như: Tự thể chân như rỗng sáng, lìa tất cả vọng nhiễm, như cái không của hư không. 2. Bất không chân như: Tự thể chân như có đầy đủ tất cả tính công đức, cũng như hư không bao hàm hết thảy muôn tượng. [X. luận Đại thừa khởi tín]. IV. Nhị Như. Chỉ cho Tại triền chân như và Xuất triền chân như. 1. Tại triền chân như: Thực tính chân như của phàm phu còn bị vô lượng phiền não trói buộc (tại triền) nên không hiển hiện được. 2. Xuất triền chân như: Thực tính chân như của chư Phật, Bồ tát đã ra khỏi sự ràng buộc (xuất triền) của phiền não. Tại triền chân như gọi là Như lai tạng, Xuất triển chân như gọi là Pháp thân. [X. kinh Thắng man; Lí thú phần thuận tán Q.hạ]. V. Nhị Như. Chỉ cho Hữu cấu chân như và Vô cấu chân như. 1. Hữu cấu chân như, cũng gọi Tự tính chân như, Tại triền chân như. Tức thể của chân như tuy bị phiền não che lấp, nhưng xưa nay vốn thanh tịnh, giống như hoa sen mọc từ trong bùn nhưng không nhiễm mùi bùn. 2. Vô cấu chân như, cũng gọi Thanh tịnh chân như, Xuất triền chân như. Tức lí thể chân như được hiển bày khi chứng quả Phật, không còn bị phiền não che lấp, như vầng trăng rằm trong sáng tròn đầy. [X. luận Nhiếp đại thừa Q.5 (Chân đế)]. (xt. Chân Như).