nhị nhập tứ hành

Phật Quang Đại Từ Điển

(二入四行) Nhị nhập: Hai yếu chỉ vào đạo; Tứ hạnh: Bốn hạnh. Cứ theo Cảnh đức truyền đăng lục quyển 30, Tổ Bồ đề đạt ma có nói lược về yếu chỉ vào đạo của Đại thừa và yếu chỉ đó hông ngoài 2 đường Lí nhập và Hạnh nhập. 1. Lí nhập: Nhờ giáo pháp mà ngộ được tông chỉ, vững tin rằng mọi loài đều cùng 1 chân tính, chỉ vì khách trần vọng tưởng che khuất nên không hiểu rõ, nếu bỏ vọng về chân, ngồi yên suy nghĩ, thì không thấy có mình có người, thánh phàm là 1, trụ vững không dời, cũng không theo văn chữ. Đây tức là thầm hợp với lí, không có phân biệt, lặng lẽ vô vi, gọi là Lí nhập. 2. Hạnh nhập: gồm 4 hạnh: a) Báo oán hạnh: Người tu đạo, nếu khi chịu khổ thì nên nghĩ rằng: Đây là do đời trước ta đã tạo nghiệp ác, nay quả chín mùi, nên cam tâm nhẫn chịu, không nên oán than. Khi sinh tâm như vậy thì ứng hợp với lí mà hóa giải được oan nghiệp và vững tiến trên đường đạo. b) Tùy duyên hạnh: Chúng sinh vô ngã, đều do nghiệp chuyển, khổ vui cùng chịu, đều từ duyên sinh; nếu được quả báo thù thắng, vinh dự… thì đều do nhân đời trước mang lại, khi duyên hết thì hoàn không. Được mất tùy duyên, tâm không thêm bớt, gió vui chẳng động, ngầm thuận với đạo. c) Vô sở cầu hạnh: Người đời mê đắm, luôn luôn tham trước, gọi là Cầu; người trí hiểu lí chân thực, an tâm vô vi, vạn hữu đều không, nên chẳng mong cầu, đó là chân chính vô cầu, cứ thuận theo đạo mà làm. d) Xứng pháp hạnh: Lí tính thanh tịnh gọi là Pháp. Lí này không có các tướng, không nhiễm không dính, chẳng đây chẳng kia. Người trí tin hiểu lí này nên thực hành đúng (xứng) pháp, pháp thể không xan lận, đem cả thân, mệnh, tài bảo thực hành xả thí, tâm không luyến tiếc, thấu suốt ba không (không người cho, không người nhận, không vật cho), lợi mình lợi người, trang nghiêm đạo giác ngộ; vì trừ vọng tưởng nên tu hạnh lục độ mà không thấy mình làm gì. Cứ theo lời tựa Bồ đề đạt ma lược biện Đại thừa nhập đạo tứ hạnh do ngài Đàm lâm –đệ tử của Tổ Bồ đề đạt ma– soạn, thì Tổ Đạt ma cảm động trước sự tinh thành của 2 vị đệ tử là Đạo dục và Tuệ khả nên Tổ dạy đạo chân thực cho 2 vị rằng (Đại 51, 458 trung): Khiến an tâm như thế, phát hạnh như thế, thuận vật như thế, phương tiện như thế, đó là pháp an tâm của Đại thừa khiến không lầm lẫn. An tâm như thế là thiền định, phát hạnh như thế là 4 hạnh, thuận vật như thế là ngăn ngừa sự cơ hiềm, phương tiện như thế là trừ bỏ sự dính mắc. Vì thế nên biết Nhị nhập tứ hạnh là tương đương với An tâm (Lí nhập) và Phát hạnh (Hạnh nhập). Thuyết Nhị nhập rất giống với thuyết trong phẩm Nhập thực tế của kinh Kim cương tam muội, còn thuyết Tứ hạnh thì tương tự như thuyết Thập hạnh trong kinh Hoa nghiêm quyển 11 (bản dịch cũ) cho nên có người suy ra đó là xuất xứ của thuyết Nhị nhập tứ hạnh. Trong Truyền pháp chính tông kí quyển 5, ngài Khế tung đời Tống ngờ rằng Tứ hạnh không phải do Tổ Đạt ma nói, nhưng phổ thông người ta vẫn tin chắc đó là thuyết của Tổ Đạt ma. [X. chương 19 trong Hán Ngụy Lưỡng Tấn Nam Bắc triều Phật giáo sử (Thang dụng đồng); Bồ đề đạt ma đích Nhị nhập tứ hạnh thuyết dữ Kim cương tam muội kinh (Thủy dã Hoằng nguyên soạn, Đạt hòa dịch, Phật quang học báo số 4)].