nhị nhẫn

Phật Quang Đại Từ Điển

(二忍) Hai pháp nhẫn của Bồ tát tu hành. I. Nhị Nhẫn. Chỉ cho Sinh nhẫn và Pháp nhẫn. 1. Sinh nhẫn, cũng gọi Chúng sinh nhẫn. Nghĩa là Bồ tát đối với tất cả chúng sinh không giận không bực, như mẹ hiền thương con. Cho dù chúng sinh có âm mưu hãm hại Bồ tát thì Bồ tát vẫn chịu đựng, không hề sinh tâm tức giận, ghét bỏ; hay được chúng sinh cung kính cúng dường mấy chăng nữa thì cũng không vì thế mà sinh tâm cống cao chấp trước. 2. Pháp nhẫn, cũng gọi Vô sinh pháp nhẫn. Nhẫn nghĩa là an nhẫn. Vô sinh pháp vốn chỉ cho pháp bất sinh bất diệt, ở đây chỉ nói về nghĩa bất sinh nên gọi là Vô sinh. Đối với pháp vô sinh, Bồ tát chấp nhận, an vui, không động không lui, gọi là Pháp nhẫn. [X. luận Đại trí độ Q.6]. II. Nhị Nhẫn. Chỉ cho An thụ khổ nhẫn và Quán sát pháp nhẫn. 1. An thụ khổ nhẫn: An nhiên chịu đựng các nỗi khổ như bệnh tật, nước lửa, dao gậy… mà không động tâm. 2. Quán sát pháp nhẫn: Quán xét các pháp, thể tính hư huyễn, vốn không sinh diệt, tin hiểu chân thực, tâm không vọng động, an nhiên chấp nhận. [X. kinh Bồ tát địa trì Q.5]. III. Nhị Nhẫn. Chỉ cho Thế gian nhẫn và Xuất thế gian nhẫn. 1. Thế gian nhẫn: Sự an nhẫn hữu lậu, hữu tướng mà Bồ tát sơ tâm phát khởi tùy theo các quả báo, phúc nghiệp… khi duyên theo chúng sinh hữu tướng hữu thủ, thản nhiên chịu đựng các việc khổ vui, thuận nghịch của thế gian, cho nên gọi là Thế gian nhẫn. 2. Xuất thế gian nhẫn: Sự an nhẫn vô lậu, vô tướng mà Bồ tát phát khởi vì lòng đại bi lợi tha bình đẳng, khế hợp với vô vi tịch diệt, tâm không nhiễm trước, nhậm vận tự nhiên mà thực hiện các việc, chịu đựng tất cả cảnh khổ vui, thuận nghịch mà không thấy tướng các pháp sinh diệt, cho nên gọi là Xuất thế gian nhẫn. [X. kinh Đại thừa địa tạng thập luân Q.9] (xt. Nhẫn).