nhị kiến

Phật Quang Đại Từ Điển

(二見) Hai loại kiến. I. Đoạn kiến và Thường kiến, cũng gọi Hữu kiến và Vô kiến. 1. Đoạn kiến, cũng gọi Vô kiến: Vọng kiến cố chấp cho rằng thân tâm người ra đoạn diệt (chết) rồi không tiếp tục sinh ra nữa.2. Thường kiến, cũng gọi Hữu kiến: Vọng kiến cố chấp cho rằng thân tâm người ta thường trụ không gián đoạn. [X. luận Đại trí độ Q.7]. (xt. Thường Kiến, Đoạn Kiến). II. Tướng mạo kiến và Liễu liễu kiến. 1. Tướng mạo kiến: Không thực sự thấy vật mà chỉ thấy tướng dáng của nó rồi suy đoán ra. Như từ đàng xa trông thấy khói bèn cho là có lửa. 2. Liễu liễu kiến: Trực tiếp thấy rõ sự vật, như thấy quả Am ma lặc trong lòng bàn tay. Hai cái thấy trên tương đương với tỉ lượng và hiện lượng. Khi Bồ tát thấy bồ đề Niết bàn là Liễu liễu kiến (thấy rõ mồn một).[X. kinh Niết bàn Q.15 (bản Nam)]. III. Nhãn kiến và Văn kiến. 1. Nhãn kiến: Mắt trực tiếp thấy vật. 2. Văn kiến: Do nghe mà biết vật. [X. kinh Niết bàn Q.25 (bản Nam)]. IV. Trụ địa phần kiến và Cứu cánh vô kiến.1. Trụ địa phần kiến: Bồ tát Thập trụ từ cạn đến sâu, phá 1 phẩm phiền não vô minh, hiển bày 1 phần của 3 đức, gọi là Trụ địa phần kiến. 2. Cứu cánh vô kiến: Bồ tát Đẳng giác đã dứt phẩm phiền não vô minh nhỏ nhiệm cuối cùng, bước lên quả vị Phật Diệu giác, tính đức vốn có hoàn toàn hiển hiện, hết sạch các kiến, gọi là Cứu cánh vô kiến. [X. Đại minh tam tạng pháp số Q.6].