nhị giới

Phật Quang Đại Từ Điển

(二戒) Căn cứ vào những điều kiện khác nhau mà giới luật có thể được chia làm những loại Nhị giới như sau: 1. Tính giới và Gia giới: Tính giới là Tính tội, Gia giới là Gia tội. Còn có các tên gọi khác như: Tân giới và Cựu giới, Chủ giới và Khách giới, Tính trọng giới và Tức thế cơ hiềm giới, Tính trọng giới và Li ác giới, Tính giới và Li giới. [X. kinh Niết bàn Q.11 (bản Nam); kinh Chính pháp niệm xứ Q.59; Ma ha chỉ quán Q.4].2. Định cộng giới và Đạo cộng giới: Dịch mới là Tĩnh lự luật nghi và Vô lậu luật nghi (Đạo sinh luật nghi). a) Định cộng giới: Giới thể ngăn sai trái, ngừa tội lỗi mà bậc Thánh Tam thừa tự nhiên phát được khi vào định cõi Sắc. b) Đạo cộng giới: Bậc Thánh Tam thừa khi phát được đạo Vô lậu thì tự nhiên khế hợp với luật nghi bỏ ác tu thiện. 3. Chỉ trì giới và Tác trì giới: Chỉ cho 2 loại Chỉ ác, Tu thiện của giới luật. (xt. Nhị Trì). 4. Thiện giới và Ác giới, cũng gọi Chính giới và Tà giới. a) Thiện giới: Tùy thuận pháp thế gian, luật Phật chế, đối với thân, khẩu, ý ngăn ngừa sai quấy, tội lỗi. b) Ác giới: Chỉ cho các giới của ngoại đạo tà kiến như giới bò, giới chó… [X. kinh Niết bàn Q.32 (bản Nam); Hoa nghiêm huyền đàm Q.4]. 5. Thế gian giới và Xuất thế gian giới, cũng gọi Tại gia giới và Xuất gia giới: a) Tại gia giới: 5 giới, 8 giới. b) Xuất gia giới: 10 giới, 6 pháp, giới Cụ túc của người xuất gia thụ trì. 6. Thanh văn giới và Bồ tát giới, cũng gọi Tiểu thừa giới và Đại thừa giới, Tiểu giới và Đại giới. a) Thanh văn giới: Giới luật do các bậc Thánh Tiểu thừa thụ trì, như: 5 giới, 8 giới, 10 giới, Cụ túc giới. b) Bồ tát giới: Giới pháp do các bậc Bồ tát Đại thừa thụ trì, như: 10 giới trọng, 48 giới khinh. [X. kinh Niết bàn Q.26 (bản Nam)]. 7. Tác giới và Vô tác giới, cũng gọi Biểu giới và Vô biểu giới, Giáo giới và Vô giáo giới.a) Tác giới: Nương theo các thứ biểu nghiệp mà thụ giới. b) Vô tác giới: Do đã thụ giới mà thân được giới thể. [X. kinh Niết bàn Q.32 (bản Nam); Đại thừa nghĩa chương Q.10]. 8. Quyền giới và Thực giới, cũng gọi Thô giới và Diệu giới. a) Quyền giới: Giới luật của Quyền giáo, tức các giới Tiểu thừa như: 5 giới, 8 giới, 10 giới, Cụ túc giới và các giới Đại thừa như: Du già, Thiện giới… đều là thô giới của Tam thừa cùng chung thụ trì và là thô giới cạn hẹp của Tạng giáo và Thông giáo trong giới nội (3 cõi). b) Thực giới: Giới luật của Thực giáo, như 10 giới trọng, 48 giới khinh nói trong kinh Phạm võng, là diệu giới của Biệt giáo, Viên giáo và Bồ tát giới ngoại (ngoài 3 cõi) thụ trì. [X. Pháp hoa huyền nghĩa Q.4]. 9. Sự giới và Lí giới, cũng gọi Tùy tướng giới và Li tướng giới. a) Sự giới: Thụ trì những giới luật về sự tướng như 3 nghiệp, 4 uy nghi và các giới Đại thừa, Tiểu thừa như Tứ phần, Du già, Phạm võng…đều thuộc về Sự giới. b) Lí giới: Giới mà không thấy giới tướng, chỉ lấy tâm an trụ nơi 3 quán Không, Giả, Trung làm giới luật, như Viên đốn đại giới. [X. Ma ha chỉ quán Q.4, phần 1]. 10. Uy nghi giới và Tòng giới. a) Uy nghi giới: Tuy có thụ giới, nhưng bề ngoài hiện tướng uy nghi chỉ vì danh lợi và muốn được mọi người tôn kính, chứ không thực tâm giữ giới. b) Tòng giới: Thuận theo giới luật Phật chế, 3 nghiệp thanh tịnh, trong ngoài giống nhau, giữ gìn giới hạnh đúng như thực. [X. kinh Niết bàn Q.32 (bản Nam)]. 11. Cầu giới và Xả giới. a) Cầu giới: Cầu mong được quả báo trong 3 cõi mà thụ giới. b) Xả giới: Xả bỏ quả báo trong 3 cõi, chân thực thụ trì giới pháp. [X. kinh Niết bàn Q.32 (bản Nam)].