nhị đế

Phật Quang Đại Từ Điển

(二諦) Cũng gọi Chân tục nhị đế. Chỉ cho Chân đế và Tục đế. – Chân đế(Phạm: Paramàrtha-satya, Pàli: Paramattha-sacca), cũng gọi Thắng nghĩa đế, Đệ nhất nghĩa đế. Chỉ cho chân lí xuất thế gian. – Tục đế (Phạm:Saôvfti-satya, Pàli: Sammuti-sacca), cũng gọi Thế tục đế, Thế đế. Chỉ cho chân lí thế gian. Về ý nghĩa của Nhị đế thì các kinh luận Đại thừa và Tiểu thừa nói không giống nhau, nay nêu ra mấy điểm chính như sau: I. Thuyết của Tiểu thừa. 1. Trong các kinh điển của Phật giáo nguyên thủy, như kinh A hàm nói khá nhiều về Tứ đế (khổ, tập, diệt, đạo) nhưng rất ít bàn đến Nhị đế, chỉ có kinh Phân biệt thánh đế trong Trung a hàm quyển 7 nêu ra từ Chân đế, nhưng chưa dùng chung với Tục đế. Rồi trong kinh Tăng nhất a hàm quyển 3 có nói đến từ Nhị đế nhưng tiếc là nội dung không rõ ràng. 2. Luận Câu xá quyển 22 không những chỉ nêu lên danh từ Chân đế, Tục đế, mà còn trưng ra ví dụ nói rõ ý nghĩa của những từ này. Chẳng hạn các vật như cái bình, cái áo… 1 khi đã bị hủy hoại thì không thể gọi là cái bình, cái áo được nữa. Lại như nước, lửa… nếu dùng trí tuệ siêu đẳng mà phân tích thì thành các yếu tố sắc, hương, vị… nên cũng không thể gọi là nước, lửa được nữa. Đại khái những vật được đặt cho cái tên giả (có giả) như trên là những điều mà kiến thức thông thường ở thế gian đều công nhận thì gọi là Thế tục đế. Trái lại, sắc, hương, vị… là những yếu tố cấu thành sự tồn tại của muôn vật, cho dù hình thái của chúng có bị nghiền nát đến cực nhỏ nhiệm (cực vi) đi nữa, hoặc dùng trí tuệ siêu đẳng mà phân tích đi nữa, thì bản chất của chúng vẫn hằng tồn tại không thay đổi, thì gọi là Thắng nghĩa đế, là chân lí xuất thế gian.3. Phẩm Lập giả danh trong luận Thành thực quyển 1cho rằng các pháp sắc, hương, vị… và Niết bàn đều là Chân đế; trái lại, như cái bình, nước… do các yếu tố cơ bản sắc, hương… tạo thành, vì là nhân duyên hòa hợp, chỉ có cái tên giả chứ không có thực thể, cho nên gọi là Tục đế. Chẳng hạn như người là do 5 uẩn hòa hợp mà thành nên cũng thuộc về Tục đế. 4. Kinh bộ chủ trương các pháp do trí vô lậu xuất thế gian và chính trí thế gian hậu đắc công nhận, gọi là Thắng nghĩa đế; trái lại, các pháp do trí hữu lậu công nhận, gọi là Thế tục đế. 5. Theo thuyết của luận Đại tì bà sa quyển 77, những sự vật dùng kiến thức thông thường của thế gian mà hiểu biết được thì gọi là Thế tục đế; còn đạo lí chân thực do Thánh trí vô lậu thấu suốt, thì gọi là Thắng nghĩa đế. II. Thuyết của Đại thừa. 1. Cứ theo phẩm Thánh hạnh trong kinh Niết bàn quyển 13 (bản Bắc), thì điều mà mọi người thế gian đều hiểu, gọi là Thế đế; còn cái mà người xuất thế chứng biết, gọi là Đệ nhất nghĩa đế. Lại nữa, cái có tên có thực là Đệ nhất nghĩa đế, cái có tên không thực là Tục đế. Như lí của Tứ đế là Đệ nhất nghĩa đế; vòng lửa, dợn nắng, thành Càn thát bà, lông rùa, sừng thỏ… là Thế tục đế. 2. Theo phẩm Quán tứ đế trong Trung luận quyển 4, tất cả sự vật không có tính cố định bất biến (tức thực thể, tự tính),mà chúng là cái không, không sinh không diệt, biết rõ cái lí không này là Đệ nhất nghĩa đế. Còn cái tác dụng bảo trì tính không ấy lại phải dựa trên những sự vật giả hiện để hiển bày và do mối quan hệ hỗ tương đối đãi mà sinh ra tác dụng nhận thức; rõ biết được pháp giả danh ấy, gọi là Thế tục đế. Thế tục đế tuy không phải là pháp cùng tột, nhưng có thể nhờ đó mà tìm hiểu để tiếp cận với Thắng nghĩa đế. Chẳng hạn như ngôn ngữ, tư tưởng, quan niệm… của người ta đều thuộc Thế tục đế, nhưng không nhờ những thứ đó thì cũng không có cách nào tìm hiểu được Đệ nhất nghĩa đế. Mà đã không hiểu rõ Đệ nhất nghĩa đế thì cũng không thể chứng được Niết bàn. 3. Phẩm Nhị đế trong kinh Nhân vương bát nhã quyển thượng lại tiến thêm bước nữa mà nêu ra thuyết Nhị đế tương tức, Chân tục bất nhị. Tức là nếu đứng về phương diện đế lí mà nhận xét, thì có Chân đế và Tục đế khác nhau, nhưng nếu dùng trí tuệ chân thực mà quán chiếu thì 2 đế chỉ là 1, lí ấy rất rõ ràng. Ngoài ra, còn có thuyết Tứ trùng nhị đế (4 lớp nhị đế) của Tì đàm, Thành thực và Đại thừa được thuyết minh như sau: a) Lớp thứ 1 chủ trương có là Tục đế, không là Chân đế, đây là thuyết của các nhà Tì đàm. b) Lớp thứ 2 cho rằng có, không là Tục đế, chẳng phải có chẳng phải không là Chân đế, đây là thuyết của các nhà Thành thực.c) Lớp thứ 3 chủ trương có không, chẳng có chẳng không là 2, chẳng 2, là Tục đế, cho chẳng có chẳng không, chẳng phải chẳng có, chẳng phải chẳng không, là chẳng 2, chẳng phải chẳng 2, là Chân đế (thuyết của Đại thừa). d) Lớp thứ 4 cho 3 lớp trước là Tục đế, còn lớp thứ 4 này là cảnh giới tuyệt đối, dứt bặt nói năng, suy nghĩ, là Chân đế (thuyết của Đại thừa). [X. kinh Bồ tát bản nghiệp anh lạc Q.thượng; luận Du già sư địa Q.55; luận Biện trung biên Q.trung; luận Hiển dương thánh giáo Q.6; Đại thừa trang nghiêm kinh luận Q.2; phẩm Vô tướng luận Thành thực Q.2; phẩm Kiến nhất đế luận Thành thực Q.15; luận Tạp a tì đàm tâm Q.10].