nhị đạo

Phật Quang Đại Từ Điển

(二道) I. Nhị Đạo. Hai đạo. Chỉ cho Vô gián đạo và Giải thoát đạo. Tức là trí tuệ đoạn hoặc, chứng lí. 1. Vô gián đạo, dịch cũ: Vô ngại đạo: Trí tuệ chính đoạn hoặc (phiền não).Trí này không bị hoặc làm gián cách nên gọi là Vô gián.2. Giải thoát đạo: Trí tuệ chính chứng lí. Trí này lìa sự trói buộc của hoặc, tự tại chứng lí, nên gọi là Giải thoát. Phàm đoạn tất cả hoặc đều phải dùng 2 đạo (trí tuệ) này. Vô gián đạo là nhân của niệm trước, Giải thoát đạo là quả của niệm sau.[X. luận Câu xá Q.25]. II. Nhị Đạo. Hai đạo. Chỉ cho Nan hành đạo và Dị hành đạo. Đây là thuyết phán giáo của tông Tịnh độ, do bồ tát Long thụ lập ra. 1. Nan hành đạo: Đạo khó thực hành. Chỉ cho các giáo thuyết ngoài tông Tịnh độ. Như ở thế giới Sa bà mà tu pháp (đạo) Lục độ vạn hạnh để chứng nhập quả Thánh, là pháp rất khó thực hành, nên gọi là Nan hành đạo.2. Dị hành đạo: Đạo dễ thực hành. Chỉ cho giáo thuyết của tông Tịnh độ, tức như pháp niệm Phật cầu vãng sinh Tịnh độ, rồi từ đó mà thành Phật. Pháp này dễ thực hành, cho nên gọi là Dị hành đạo. [X. phẩm Dị hành trong luận Thập trụ tì bà sa; Giáo hành tín chứng Q.6, phần đầu].III. Nhị Đạo. Hai đạo. Chỉ cho Hữu lậu đạo và Vô lậu đạo.1. Hữu lậu đạo: Tất cả các pháp tu tập của hành giả Tam thừa từ giai vị Kiến đạo trở về trước. 2. Vô lậu đạo: Pháp tu tập thuận theo đế lí, từ giai vị Kiến đạo trở về sau. Lậu nghĩa là phiền não. Từ Kiến đạo trở về trước, chưa dứt được mảy may phiền não nào, cho nên gọi là Hữu lậu. Từ Kiến đạo trở lên đã dứt được 1 phần phiền não, lìa phiền não cấu nhiễm, cho nên gọi là Vô lậu. [X. luận Câu xá Q.23, 24]. IV. Nhị Đạo. Hai đạo. Chỉ cho Giáo đạo và Chứng đạo.1. Giáo đạo: Giáo pháp do đức Như lai phương tiện chỉ dạy. 2. Chứng đạo: Thực lí mà chư Phật đã chứng được. [X. Thập địa kinh luận Q.1; Đại thừa nghĩa chương Q.9]. V. Nhị Đạo. Hai đạo. Chỉ cho đường đại tiện và tiểu tiện.Phật tổ thống kỉ quyển 30 (Đại 49, 298 hạ) nói: Những thứ tàn dư nhơ nhớp trong thân, vì muốn tẩy trừ nên thành 2 đường nam căn và nữ căn. [X. luật Tứ phần Q.3; Phật sở hành tán Q.3].