nhị chướng

Phật Quang Đại Từ Điển

(二障) Cũng gọi Nhị ngại. I. Nhị Chướng. Chỉ cho Phiền não chướng và Sở tri chướng do phái Du già hành và tông Pháp tướng phân loại. 1. Phiền não chướng: Do chấp ngã mà sinh ra, vì tất cả các hoặc tham, sân, si… phát nghiệp nhuận sinh, phiền nhiễu thân tâm loài hữu tình, khiến phải sinh tử mãi trong 3 cõi, 5 đường, gây chướng ngại cho quả Niết bàn, nên gọi là Phiền não chướng. 2. Sở tri chướng, cũng gọi Trí chướng. Do chấp pháp mà sinh ra, vì các hoặc tham, sân, si… khiến loài hữu tình trở nên ngu si, mê muội, ngăn trở diệu trí bồ đề, làm cho chúng sinh không thấy rõ được sự tướng và thực tính của các pháp, vì thế gọi là Sở tri chướng. [X. luận Thành duy thức Q.9]. II. Nhị Chướng. Chỉ cho Phiền não chướng và Giải thoát chướng. 1. Phiền não chướng: Do chấp ngã mà làm chướng ngại sự phát sinh của trí tuệ vô lậu.2. Giải thoát chướng, cũng gọi Bất nhiễm vô tri định chướng, Định chướng, Câu giải thoát chướng. Giải thoát là tên khác của định Diệt tận. Vì pháp này gây trở ngại cho bậc Thánh vào định Diệt tận, cho nên gọi là Giải thoát chướng, thể của nó là Bất nhiễm ô vô tri. [X. luận Câu xá Q.25; Câu xá luận quang kí Q.25; Câu xá luận tụng sớ Q.12]. III. Nhị Chướng. Chỉ cho Lí chướng và Sự chướng. 1. Lí chướng: Các hoặc tà kiến… mê lầm về lí làm chướng ngại chính tri kiến, tương đương với Sở tri chướng. 2. Sự chướng: Các hoặc tham, sân, si… mê lầm về sự, làm cho sinh tử nối tiếp, gây chướng ngại cho Niết bàn, tương đương với Phiền não chướng. [X. kinh Viên giác Q.hạ]. IV. Nhị Chướng. Chỉ cho Nội chướng và Ngoại chướng. 1. Nội chướng: Ba độc làm chướng ngại khiến trong tâm chúng sinh khởi lên phiền não. 2. Ngoại chướng: Bảy nạn là những chướng ngại do các cảnh bên ngoài thêm vào.[X. A sa phược sao Q.187].