nhị chủng sai biệt

Phật Quang Đại Từ Điển

(二種差別) Tiếng dùng trong Nhân minh. Chỉ cho Hữu pháp sai biệt và Pháp sai biệt. Sai biệt nghĩa là lời trình bày và ý chấp nhận hoàn toàn không ăn khớp với nhau. Sai biệt do danh từ trước (tiền trần) phát sinh, gọi là Hữu pháp sai biệt; sai biệt do danh từ sau (hậu trần) phát sinh, gọi là Pháp sai biệt. Chẳng hạn như người tin có ma chủ trương sau khi người ta chết, linh hồn sống dưới âm phủ; còn người không tin thì bảo sau khi chết chỉ còn xác không hồn. Khi người tin có ma đối với người không tin mà lập luận thức, nếu dùng chữ ma thì chỉ mình chấp nhận mà đối phương không chấp nhận thì Tông thể không thành lập được. Cho nên người lập luận bèn dùng từ ngữ hàm hồ, bóng gió như cái còn lại sau khi chết để thay thế chữ ma hòng lừa đối phương mà tránh lỗi Tông y bất cực hành. Từ ngữ cái còn lại sau khi chết được người lập luận sử dụng bao hàm 2 thứ sai biệt: Ma và Xác chết. Trong đó, đối phương chỉ chấp nhận xác chết chứ không chấp nhận ma. Lỗi sai biệt ở đây là trong nhóm từ cái còn lại sau khi chết có hàm ý ma. Tức là, trong trường hợp này, người lập luận đã dùng 1 danh từ cực thành để che giấu ý nghĩa bất cực thành, với hi vọng lừa được đối phương chấp nhận luận thức của mình. [X. Nhân minh đại sớ lê trắc; Nhân minh nhập chính lí luận ngộ tha môn thiển thích].