nhị chủng giới

Phật Quang Đại Từ Điển

(二種戒) I. Nhị Chủng Giới. Chỉ trì giới và Tác trì giới. 1. Chỉ trì giới: Ngăn ngừa các việc ác của thân và miệng, như giết hại, trộm cướp, nói láo… 2. Tác trì giới: Tích cực làm các việc thiện như phóng sinh, bố thí… [X. Tứ phần luật san phồn bồ khuyết hành sự sao Q.trung, phần 4] II. Nhị Chủng Giới. Tại gia giới và Xuất gia giới. 1. Tại gia giới: Như 5 giới, 8 giới của ưu bà tắc và ưu bà di thụ trì. 2. Xuất gia giới: Như 10 giới của sa di và Cụ túc giới của tỉ khưu. [X. luận Tì ni mẫu Q.1, 3]. III. Nhị Chủng Giới. Chỉ cho Tính giới và Già giới. 1. Tính giới: Như giết hại, trộm cướp, gian dâm, nói dối. Bốn giới này tự tính của chúng đã là giới rồi, chứ không đợi Phật chế định mới thành giới, cho nên gọi là Tính giới. Nếu người giữ được thì được phúc, mà vi phạm thì phải chịu tội. 2. Già giới: Như giới uống rượu. Tính của rượu vốn không phải tội, nhưng nó có thể làm cho người uống bị say mà vi phạm các điều giới khác, cho nên đức Phật đặc biệt ngăn cấm, không cho uống rượu, vì thế gọi là Già giới. [X. luận Câu xá Q.18]. IV. Nhị Chủng Giới. Chỉ cho Tính trọng giới và Tức thế cơ hiềm giới. 1. Tính trọng giới: Những giới mà bản tính của chúng là tội rất nặng, như 4 giới: Giết hại, trộm cướp, gian dâm, nói dối, nên gọi là Tính trọng giới. 2. Tức thế cơ hiềm giới: Ngăn ngừa sự chê cười của người đời. Nghĩa là những giới điều mà vì tâm đại từ đức Phật đặc biệt chế định cho chúng tăng giữ gìn, như giới uống rượu chẳng hạn, để ngăn ngừa và chấm dứt sự chê cười của người đời, vì thế gọi là Tức thế cơ hiềm giới. [X. kinh Niết bàn Q.11 (bản Bắc)]. V. Nhị Chủng Giới. Đạo cộng giới và Định cộng giới. Đây là 2 thứ luật nghi. 1. Đạo cộng giới, cũng gọi Vô lậu luật nghi. Khi bậc Thánh Tam thừa vào định vô lậu ở cõi Sắc, thì định vô lậu kết hợp với trí vô lậu mà tự phát ra giới thể ngăn ngừa tội lỗi ở trong thân, đó là Đạo cộng giới. Luật nghi này và đạo vô lậu cùng sinh, cho nên gọi là Đạo cộng giới. 2. Định cộng giới, cũng gọi Tĩnh lự sinh luật nghi. Khi hành giả vào các thiền định như Sơ thiền, Nhị thiền… thì giới thể ngăn ngừa tội lỗi tự nhiên sinh ra cùng với thiền định, gọi là Định cộng giới. Luật nghi này nương vào tĩnh lự mà sinh ra, nên cũng gọi là Tĩnh lự sinh luật nghi. VI. Nhị Chủng Giới. Tùy tướng giới và Li tướng giới. 1. Tùy tướng giới: Thuận theo lời dạy của đức Như lai thực hành việc nhuộm áo, xuất gia, khất thực tự sống, gọi là Tùy tướng giới.2. Li tướng giới: Người giữ giới, tâm không chấp trước, tất cả giới cũng như hư không, thấy rõ không có tướng giữ giới hay phạm giới nên gọi là Li tướng giới (giới lìa tướng). [X. Hoa nghiêm đại sớ Q.5].