nhị chủng bản tôn

Phật Quang Đại Từ Điển

(二種本尊) Hai loại Bản tôn. Bản tôn nghĩa là bậc tôn quí nhất vốn có từ xưa, xuất hiện ra thế gian.Theo phẩm Bản tôn tam muội trong kinh Đại nhật thì 3 thứ: Chữ, Ấn và Hình của Bản tôn, mỗi thứ được chia làm 2 loại: 1. Hai loại Chữ: a) Quán nghĩa chữ A: Chữ A là tâm bồ đề, cho nên hướng về chữ A mà quán xét tâm bồ đề của tự tính thanh tịnh. b) Xướng tiếng chữ A: Xướng tiếng này như rung chuông không ngừng, dùng nó để điều hòa hơi thở ra vào. 2. Hai loại hình Ấn: a) Hữu hình: Hình nghĩa là các màu xanh, vàng, đỏ, trắng…, các hình vuông, tròn…, các loại cong, thẳng, ngồi, đứng… Ấn là ấn được cầm, như loại chày kim cương. Tức người mới tu quán, trước quán tưởng tượng vẽ của Bản tôn có hình tướng ở ngoài tâm, nhờ đó dần dần đi vào quán tưởng Bản tôn không hình tướng trong tâm. b) Vô hình: Sau, quán tưởng dần dần nhuần nhuyễn, lại được nhờ sức gia trì, Bản tôn tự nhiên hiện trong tâm, ứng hợp với tâm, nên tâm không còn duyên theo bất cứ đối tượng nào ngoài tâm. 3. Hai loại hình Bản tôn: a) Phi thanh tịnh: Chẳng phải thanh tịnh. Nghĩa là người mới tu quán, trước hết quán tưởng Bản tôn có hình tướng, nhờ đó dần dần tiến vào chỗ thanh tịnh không hình tướng, nhưng vì Bản tôn là tôn vị có hình tướng, nên gọi là Phi thanh tịnh. b) Thanh tịnh: Trong sạch. Tức là từ chỗ có hình tướng tiến vào nơi thanh tịnh không hình tướng, hoàn toàn vắng bặt, vô tướng: Đó là thanh tịnh. [X. Đại nhật kinh sớ Q.20].