nhị chủng bản giác

Phật Quang Đại Từ Điển

(二種本覺) Hai thứ bản giác, tức là Tùy nhiễm bản giác và Tính định bản giác. 1. Tùy nhiễm bản giác: Nương vào tính ô uế của vọng nhiễm mà hiển bày thể tướng của bản giác, được chia làm 2 loại là Trí tịnh tướng và Bất tư nghị nghiệp tướng. a) Trí tịnh tướng bản giác: Tướng bản giác theo nhiễm trở về tịnh, tức là nương vào sức xông ướp (huân tập) của chân như bên trong và sức giúp đỡ của giáo pháp Như lai bên ngoài mà như thực tu hành, dùng phương tiện đầy đủ, cho nên phá trừ vọng tâm để hiển hiện pháp thân, làm cho trí thuần tịnh của thủy giác hợp nhất với bản giác. b) Bất tư nghị nghiệp tướng của bản giác: Tức là tướng nghiệp dụng của bản giác trở lại thanh tịnh, là vì nhờ vào tướng trí tịnh nên tướng vô lượng công đức thường không dứt mất, căn cứ theo các tướng tự nhiên ứng hợp nhau mà thực hiện nhiều việc lợi ích. Vì thế nên biết tướng trí tịnh là ương vào nhiễm duyên của chính mình mà thành, còn tướng nghiệp bất tư nghị là nương vào nhiễm duyên của người khác mà thành, cả 2 tướng đều không lìa nhiễm duyên, nên gọi là Tùy nhiễm bản giác. 2. Tính tịnh bản giác: Chân như của bản giác xa lìa tất cả các pháp ô nhiễm, đầy đủ hết thảy tính đức, thể đại và tướng đại là nhân huân tập bên trong, dụng đại là duyên giúp đỡ bên ngoài, gọi là Tính tịnh bản giác. Nếu dùng tấm gương sáng để ví dụ, thì Tính tịnh bản giác có 4 nghĩa: Gương như thực không, gương nhân huân tập, gương pháp xuất li và gương duyên huân tập. [X. Thích ma ha diễn luận Q.3]. (xt. Bản Giác).