nhị căn

Phật Quang Đại Từ Điển

(二根) I. Nhị Căn. Chỉ cho lợi căn và độn căn. 1. Lợi căn, cũng gọi Thượng căn. Nghĩa là người có căn tính bén nhạy, mau chứng được diệu quả. 2. Độn căn, cũng gọi Hạ căn. Nghĩa là người có căn tính chậm lụt, khó khai ngộ được. [X. kinh Vô lượng thọ Q.hạ]. II. Nhị Căn. Chỉ cho chính căn và phù căn. 1. Chính căn, cũng gọi Thắng nghĩa căn. Là bản thể của 5 căn (mắt tai mũi lưỡi thân), là sắc pháp thanh tịnh do 4 đại tạo thành, hàng phàm phu và Nhị thừa không thể thấy được, hiện lượng không thể biết được, nhưng có tác dụng sinh ra thức thu lấy cảnh. 2. Phù căn, cũng gọi Phù trần căn. Là 5 khí quan bên ngoài như: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân mà người ta có thể trông thấy được. Các căn này chỉ là chỗ nương tựa của Chính căn, hư giả chẳng thật và không có tác dụng sinh ra thức thu lấy cảnh. III. Nhị Căn. Chỉ cho nam căn và nữ căn, tức sinh thực khí của con trai và con gái. [X. kinh Lăng nghiêm Q.9; luận Câu xá Q.3; luận Du già sư địa Q.57].