Nhất tự bất thuyết

Từ điển Đạo Uyển


一字不說; J: ichiji-fusetsu; Nghĩa là “một chữ cũng chưa hề thuyết”; một danh từ thường được dùng trong Thiền tông để nhấn mạnh rằng Phật và các vị Tổ chưa bao giờ đá động đến Chân lí tuyệt đối trong những bài thuyết pháp của chư vị bởi vì cái tuyệt đối này không thể nào diễn bày được (Bất khả thuyết). Vì thế nên đức Phật ban đầu không muốn rời Giác Thành (bodhga-yā), không muốn trở về thế tục để giáo hoá chúng sinh. Nhưng, vì quá thương chúng sinh đang trôi nổi trong Vòng sinh tử nên Ngài quyết định rời chỗ toạ thiền đi hoằng hoá. Nói theo các vị Thiền sư là “để rơi mình vào cỏ mà nói chuyện” (落草譚; lạc thảo đàm) – tức là rời tâm thức sung sướng an lạc tuyệt đối để bước vào tâm thức của một phàm phu để chỉ đường chúng sinh đến bờ Giác ngộ. Vì lí do trên mà Thiền tông quan niệm rằng, tất cả những bài Kinh (s: sūtra) của đức Phật và Ngữ lục của chư vị Thiền sư đều chỉ là “Ngón tay chỉ mặt trăng – nhưng không phải chính là mặt trăng.” Chân lí tuyệt đối chỉ có thể – nếu có thể! – được “truyền” bằng một phương pháp bí mặt, siêu việt mà Thiền tông gọi là “Dĩ tâm truyền tâm.” Thiền tông tự nêu tông chỉ của mình là “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật” – thay vì dựa vào lời của Phật thuyết trong các kinh sách, bởi vì ngôn ngữ trên giấy mỗi người đều hiểu một cách riêng biệt – tuỳ theo trình độ và khả năng của người đang xem nó. Thiền tông không quan niệm rằng, tất cả kinh sách đều vô dụng, nhưng chúng không thể biểu lộ hết tất cả. Chúng thật sự vô dụng trong việc miêu tả cái tuyệt đối, Chân như.