nhất thừa tam thừa

Phật Quang Đại Từ Điển

(一乘三乘) Một thừa ba thừa. Giáo pháp duy nhất của Phật giáo có công năng làm cho tất cả chúng sinh đều thành Phật, nên gọi là Nhất thừa. Nhưng vì căn cơ, trình độ của chúng sinh không đều nhau, vì phải thích ứng để giáo hóa mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh, cho nên giáo pháp Nhất thừa được chia làm 3, gọi là Tam thừa. Danh từ Nhất thừa có xuất xứ từ các kinh như: Phẩm Minh nan trong kinh Hoa nghiêm, phẩm Phương tiện trong kinh Pháp hoa, chương Nhất thừa trong kinh Thắng man… Nhất thừa cũng gọi là Phật thừa, Nhất Phật thừa, Nhất thừa giáo, Nhất thừa cứu cánh giáo, Nhất thừa pháp, Nhất đạo. Bộ kinh tuyên dương giáo pháp Nhất thừa được gọi là Nhất thừa kinh, còn người tin nhận và tu học theo giáo pháp Nhất thừa thì gọi là Nhất thừa cơ. Giáo pháp sâu rộng của Nhất thừa được ví dụ như biển cả, gọi là Nhất thừa hải. Vì Nhất thừa là giáo nghĩa cao nhất của Đại thừa, nên trong sách Phật có từ ngữ Nhất thừa cực xướng. Còn như kinh Pháp hoa là bộ kinh điển thuyết minh lí Nhất thừa, nên được gọi là Nhất thừa diệu điển, văn kinh của kinh Pháp hoa được gọi là Nhất thừa diệu văn. Cứ theo luận Cứu cánh Nhất thừa bảo tính quyển 2 và Đại thừa trang nghiêm kinh luận uyển 4, thì Thanh văn thừa thuộc Tiểu thừa, Hạ thừa; Duyên giác thừa thuộc Bích chi phật thừa, Độc giác thừa, Trung thừa; Bồ tát thuộc Đại thừa, Phật thừa, Như lai thừa, Thượng thừa. Bởi thế, giáo pháp của Tam thừa gọi là Tam thừa giáo. Thanh văn thừa và Duyên giác thừa không tin nhận giáo pháp Đại thừa, cho nên gọi là Ngu pháp nhị thừa; còn như hàng Bồ tát nhị thừa hồi tiểu hướng đại, thì gọi là Bất ngu pháp nhị thừa. Trong pháp Đại thừa, tông Pháp tướng chia chúng sinh làm 5 chủng tính, trong đó hàng Định tính Thanh văn, Định tính Duyên giác và Định tính Bồ tát tín thụ Tam thừa giáo, chỉ có hàng Bất định tính Bồ tát mới có thể tín thụ Nhất thừa giáo và chứng quả Phật, vì thế mới chọn lấy lập trường Tam thừa chân thực, Nhất thừa phương tiện. Nhưng tông Thiên thai và tông Hoa nghiêm thì ngược lại, xem Nhất thừa là Phật giáo chân thực, cho nên đều chủ trương Nhất thừa chân thực, Tam thừa phương tiện. Còn tông Tam luận thì cho Bồ tát thừa trong Tam thừa là chân thực, Nhị thừa là phương tiện. Ngoài Tam thừa ra, tông Thiên thai và tông Hoa nghiêm còn lập riêng Phật thừa. Vì vậy mà tông Pháp tướng và tông Tam luận được gọi là Tam xa gia; còn tông Thiên thai và tông Hoa nghiêm thì được gọi là Tứ xa gia. Sự khác nhau giữa Tam xa và Tứ xa có căn cứ trong phẩm Thí dụ kinh Pháp hoa, đoạn thuyết minh về mối quan hệ giữa Tam thừa và Nhất thừa mà ra. Sau hết, tông Hoa nghiêm gọi nền giáo lí cùng tột là Nhất thừa Viên giáo mà cho các tông nghĩa khác là Biệt giáo. [X. phẩm Phương tiện trong kinh Pháp hoa Q.1; kinh Giải thâm mật Q.2; luận Hiển dương thánh giáo Q.20; Nhiếp đại thừa luận thích Q.10 (ngài Huyền trang dịch)].