Nhất thừa

Từ điển Đạo Uyển


一乘; C: yīshèng; J: ichijō; S: ekayāna; Là “Cỗ xe duy nhất” đưa chúng sinh đến Giác ngộ, thành Phật; danh từ này bao hàm hai ý nghĩa. Với cái nhìn tương đối thì danh từ Nhất thừa chính là Phật thừa (佛乘; s: buddhayāna), Bồ Tát thừa (菩薩乘; s: bodhisattvayāna) hoặc Ðại thừa (大乘; s: mahāyāna), được dùng đối ngược với Tiểu thừa (s: hīnayāna) hoặc Ðộc giác thừa (s: pratyekabuddhayāna). Với ý nghĩa tuyệt đối, Nhất thừa bao gồm cả ba cỗ xe (s: triyāna), bao gồm giáo lí có tính chất tạm thời của chúng và chuyển hoá chúng. Sau sự xuất hiện của khái niệm Nhất thừa, không còn giáo pháp nào của Phật pháp trước đó có thể tồn tại được vì giáo pháp tối thượng đã là nội dung của Nhất thừa. Khái niệm Nhất thừa được đề xướng trong kinh Diệu pháp liên hoa, trong kinh được Phật cho là cao siêu nhất. Theo giải thích của Khuy Cơ (窺基), giáo lí Nhất thừa của Pháp tướng tông (法相宗) có hai bậc, Nhiếp nhập đại thừa (攝入大乗) và Xuất sinh đại thừa (出生大乗). Nhiếp nhập đại thừa là phương tiện tiếp dẫn người có căn tính bất định (不定性) đến với Nhất thừa, vì thức thể của mỗi chúng sinh khó có khả năng nhận ra Phật tính, cho nên giáo lí nầy khó tương ưng toàn diện với ý nghĩa Nhất thừa. Nhưng vì tất cả đương cơ trong pháp hội kinh Pháp hoa (法華經) đều có khả năng thành Phật, nên giáo lí nầy trở nên rất chân xác và thiết thức trong trường hợp đó. Xuất sinh Đại thừa có nghĩa là tất cả các pháp môn của Phật đều chỉ “xuất sinh” từ giáo lí Đại thừa. Khuy Cơ cho rằng đây là giáo lí trong kinh Thắng-man (勝鬘經; s: śrīmālā-sūtra) và kinh Niết-bàn (涅槃經; s: nirvāṇa-sūtra). Theo Hoa Nghiêm tông (華嚴宗) và Thiên Thai tông (天台宗) thì có sự phân biệt giữa Nhất Phật thừa nầy với Bồ tát thừa trong hệ thống Tam thừa.