nhất thiết trí

Phật Quang Đại Từ Điển

(一切智) Phạm: Sarvajĩa. Hán âm: Tát bà nhã, Tát vân nhiên. Chỉ cho trí biết rõ tất cả pháp tướng trong ngoài, là 1 trong 3 trí. Kinh Nhân vương hộ quốc bát nhã ba la mật đa quyển hạ (Đại 8, 843 thượng) nói: Đầy khắp cõi vô lậu, thân giải thoát thanh tịnh, vắng lặng chẳng nghĩ bàn, gọi là Nhất thiết trí. Luận Du già sư địa quyển 38 (Đại 30, 498 hạ) nói: Đối với tất cả giới, tất cả sự pháp, tất cả phẩm loại, tất cả thời gian, trí tự tại vô ngại gọi là Nhất thiết trí. Tức là biết rõ sự sai khác của tất cả thế giới, chúng sinh giới, sự pháp hữu vi, vô vi và nhân quả 3 đời quá khứ, hiện tại, vị lai 1 cách đúng như thực, gọi là Nhất thiết trí. Còn Nhất thiết trí đối với Nhất thiết chủng trí thì có 2 nghĩa tổng và biệt. – Về phương diện tổng: Nhất thiết trí là Phật trí, đồng nghĩa với Nhất thiết chủng trí. Như Hoa nghiêm kinh đại sớ quyển 16 nói: Như lai dùng trí vô tận, biết các pháp vô tận, nên gọi Nhất thiết trí. – Về phương diện biệt: Nhất thiết trí là trí của tính không, xem thế giới bình đẳng, đây là trí của bậc Thanh văn, Duyên giác. Còn Nhất thiết chủng trí là trí của sự tướng, xem thế giới sai biệt, là trí Phật biết rõ tướng bình đẳng tức là tướng sai biệt. Luận Đại trí độ quyển 27 (Đại 25, 258 hạ) nói: Tổng tướng là Nhất thiết trí, Biệt tướng là Nhất thiết chủng trí; nhân là Nhất thiết trí, quả là Nhất thiết chủng trí; nói lược là Nhất thiết trí, nói rộng là Nhất thiết chủng trí. (…) Nhất thiết trí là trí của Thanh văn và Duyên giác; Đạo chủng trí là trí của các Bồ tát, Nhất thiết chủng trí là trí của Phật. [X. luận Đại tì bà sa Q.15; luận Tạp a tì đàm tâm Q.8; Đại thừa nghĩa chương Q.19]. (xt. Nhất Thiết Chủng Trí).