nhất thiết như lai kim cương thọ mệnh đà la ni kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(一切如來金剛壽命陀羅尼經) Gọi tắt: Kim cương thọ mệnh đà la ni kinh, Thọ mệnh đà la ni kinh, Thọ mệnh kinh.Kinh, 1 quyển, do ngài Tam tạng Bất không dịch vào đời Đường, được thu vào Đại chính tạng tập 20. Toàn bộ kinh có khoảng 1.000 chữ. Nội dung kinh này đức Phật tuyên thuyết thần chú Diên mệnh và pháp đối trị sự sợ hãi về tử vong, đồng thời, nói rõ về công đức đọc tụng kinh này cho Tứ thiên vương nghe. Ngài Bất không còn dịch Kim cương thọ mệnh đà la ni niệm tụng pháp, 1 quyển, cũng gọi Kim cương thọ mệnh niệm tụng pháp (được thu vào Đại chính tạng tập 20). Nội dung là đức Phật Tì lô giá na tuyên thuyết Kim cương thọ mệnh chân ngôn, Giáp trụ chân ngôn và công đức của các Chân ngôn này. Ngài cũng nói về Hộ ma trừ tai diên thọ đàn. Bồ tát Kim cương thọ mệnh được đề cập đến trong Đà la ni này tức là tôn vị Phổ hiền diên mệnh, pháp niệm tụng thì là nghi quĩ gốc của pháp Phổ hiền diên mệnh. Kinh này có 2 bản dịch khác là Kim cương thọ mệnh đà la ni pháp, 1 quyển và Kim cương thọ mệnh đà la ni kinh, 1 quyển. [X. Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục Q.15, 29; Chí nguyên pháp bảo khám đồng tổng lục Q.5; Diên mệnh pháp trong Chư A xà lê chân ngôn Mật giáo bộ loại chủng lục Q.thượng]. NHẤT THIẾT NHƯ LAI MA HA BỒ ĐỀ KIM CƯƠNG KIÊN LAO BẤT KHÔNG TỐI THẮNG THÀNH TỰU CHỦNG CHỦNG SỰ NGHIÊP TAM MUỘI Cảnh giới thiền định của đức Phật Bất không thành tựu ở phương bắc. Sau khi đức Như lai vào Tam muội này thì từ vai bên trái của Ngài phóng ra ánh sáng 5 màu, chiếu khắp vô lượng thế giới ở phương bắc, cho đến tất cả lỗ chân lông cũng phóng ra ánh sáng 5 màu, đầy khắp cõi hư không phương bắc. Trong các thế giới ấy, xuất hiện vô lượng hóa Phật và các cõi Phật rộng lớn khó nghĩ bàn, mỗi cõi Phật đều có vô lượng vô biên hải hội chúng Đại bồ tát vây quanh, nghe Như lai nói pháp, khiến hết thảy chúng sinh trong thế giới tối tăm, cho đến những người đui mù ở chỗ không có mặt trời, mặt trăng, đều được thấy đức Như lai Tì lô giá na và tất cả chư Phật trong 10 phương thế giới; làm cho những chúng sinh ấy lìa hẳn khổ não, được vô lượng an lạc. [X. kinh Nhiếp chân thực Q.thượng].