nhất thiết kinh âm nghĩa

Phật Quang Đại Từ Điển

(一切經音義) I. Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa. Tác phẩm, nguyên tác chỉ gọi là Nhất thiết kinh âm, do ngài Đạo tuệ biên soạn vào thời Bắc Tề, đã bị thất lạc từ lâu. Tên tác phẩm này đầu tiên được thấy trong Đại đường nội điển lục, vốn không có chữ Nghĩa, nhưng người đời sau, khi đề cập đến sách này, đều ghi lầm là Nhất thiết kinh âm nghĩa, như trong Nghiêm kinh thất ngoại tập của cư sĩ Nguyễn nguyên đời Thanh. II. Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa. Cũng gọi Đại đường chúng kinh âm nghĩa, Huyền ứng âm nghĩa. Tác phẩm, 25 quyển, do ngài Huyền ứng soạn vào đời Đường, được thu vào Trung hoa đại tạng kinh tập 30. Sách này phiên âm chữ Phạm ra chữ Hán, chú giải rõ ràng những tự cú, danh tướng khó hiểu của 458 bộ kinh luận từ kinh Hoa nghiêm đến luận Thuận chính lí. Đây là bộ sách xưa nhất trong loại sách âm nghĩa của Phật giáo hiện còn. Sự giải thích trong sách này rất chính xác, được giới học giả xưa nay xem trọng. Ngài Huyền ứng vâng sắc chỉ của nhà vua soạn sách này vào cuối năm Trinh quán, vì tránh tên húy nên kí là Nguyên ứng. [X. Đường thư nghệ văn chí 49]. III. Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa. Cũng gọi Đại tạng âm nghĩa, Tuệ lâm âm nghĩa. Tác phẩm, 100 quyển, do ngài Tuệ lâm soạn từ cuối năm Kiến trung đến năm Nguyên hòa thứ 2 (783-807) đời Đường, được thu vào Đại chính tạng tập 45. Sách này biên chép từ kinh Đại bát nhã đến Hộ danh pháp, gồm 1225 bộ, khoảng 60 vạn lời, chia làm 9 khoa: Kinh Đại thừa, luật Đại thừa, Thích kinh luận, Tập nghĩa luận, kinh Tiểu thừa, luật Tiểu thừa, luận Tiểu thừa, Tập truyện và Tập lục.Soạn giả từng thờ ngài Tam tạng Bất không làm thầy, thông thạo cả 2 âm Phạm và Hán, nên căn cứ vào kinh, luật, luận, dùng âm Phạm đối chiếu, phiên dịch và chú thích những danh tướng, tự cú khó hiểu từ chữ Phạm ra chữ Hán. Về sau, ngài Hi lân ở nước Liêu, lại nối tiếp sách này, soạn Tục nhất thiết kinh âm nghĩa, 10 quyển, cũng gọi Hi lân âm nghĩa. Tuệ lâm âm nghĩa cùng tên với Huyền ứng âm nghĩa là mở rộng từ Huyền ứng âm nghĩa và Tuệ uyển Hoa nghiêm kinh âm nghĩa, 2 quyển (cũng gọi Tuệ uyển âm nghĩa) mà thành. Những kinh được Khai nguyên thích giáo lục đưa vào Tạng đều phiên âm theo Tuệ lâm âm nghĩa, những phiên âm cũ dùng được thì giữ lại, còn ngoài ra thì do soạn giả tự phiên.