nhất thiết chủng tử thức

Phật Quang Đại Từ Điển

(一切種子識) Phạm: Sarva-bìja-vijĩàna. Cũng gọi Chủng tử thức. Thức cất chứa tất cả chủng tử(hạt giống) của các pháp không để cho mất mát, là tên khác của thức A lại da. Luận Thành duy thức quyển 2 (Đại 31, 7 hạ) nói: Thức này nắm giữ chủng tử của các pháp, không để mất mát, vì thế gọi là Nhất thiết chủng tử thức. Nhiếp Đại thừa luận thích quyển 2 (Đại 31, 328 thượng) nói: Thức này có công năng sinh ra các pháp tạp nhiễm, công năng sinh ra tuy sai khác nhưng hợp với đạo lí, do tương ứng với công năng sinh ra ấy, nên gọi là Nhất thiết chủng tử thức. Để làm sáng tỏ nghĩa này, hãy dùng 1 ví dụ: Như hạt thóc có công năng nảy mầm, vì thế có tính chủng tử(hạt giống); nếu phơi quá mức, hoặc đem rang thì công năng nảy mầm của hạt thóc ấy bị hư, lúc đó hình dáng hạt thóc tuy vẫn như cũ, nhưng sức sống của nó đã bị hoại diệt, không còn tính chủng tử, thức A lại da cũng như thế. [X. Nhiếp đại thừa luận bản Q.thượng; luận Du già sư địa Q.1]. (xt. A Lại Da Thức).