nhất tâm nhị môn

Phật Quang Đại Từ Điển

(一心二門) Nhất tâm tức là tâm chúng sinh, nhị môn tức là Chân như môn và Sinh diệt môn. Luận Đại thừa khởi tín (Đại 32, 576 thượng) nói: Nương vào 1 tâm pháp mà có 2 môn. Những gì là 2? Một là tâm Chân như môn, 2 là tâm Sinh diệt môn. Hai tâm này bao gồm hết thảy pháp. Hệ thống chân thường duy tâm luận của Phật giáo gọi bản thể của vũ trụ vạn hữu là Nhất tâm, chủ trương chúng sinh và Phật đều có tâm này. Nhưng tâm này lại có phần giác và phần bất giác, vì thế chia ra làm 2 môn thì Giác gọi là tâm Chân như môn, còn Bất giác thì gọi là tâm Sinh diệt môn. Đứng về phương diện bản thể của nhất tâm này (có đủ các tính chất bất sinh, bất diệt, bất tăng, bất giảm… tuyệt đối không có tướng sai biệt) mà nói thì gọi là tâm Chân như môn; còn đứng về phương diện động tướng của nhất tâm này (có đủ các tính chất sinh, diệt, tăng, giảm… là tướng sai biệt) mà nói thì gọi là tâm Sinh diệt môn. Tâm Chân như môn là tính giác của vũ trụ bản thể, tâm Sinh diệt môn là tính bất giác của vũ trụ hiện tượng. Mối quan hệ giữa cái 1 thể 2 mặt này gọi là Nhất tâm nhị môn. Nhưng Nhị môn rốt ráo chẳng 1 chẳng 2, giống như nước và sóng, khi gió thổi làm dậy sóng, nhưng bản tính của nước và sóng thì không thay đổi, vì thế nước và sóng không khác nhau, chẳng phải là hai. [X. Đại thừa khởi tín luận nghĩa kí Q.trung].