nhất pháp trung đạo

Phật Quang Đại Từ Điển

(一法中道) Đối lại: Tam tính đối vọng trung đạo. Chỉ cho diệu lí Trung đạo chẳng phải có chẳng phải không do tông Pháp tướng thành lập. Theo tông Pháp tướng, tính Biến kế sở chấp là vọng tình nên cho nó là không, còn tính Y tha khởi và tính Viên thành thực là có giả, thực giả nên cho chúng là có. Ba tính này là 3 tính trên 1 pháp, nên pháp ấy là Trung đạo chẳng phải có chẳng phải không. Đây là từ Tam tính đối vọng mà lập nghĩa trung đạo, gọi là Tam tính đối vọng trung đạo.Nếu nói 1 cách tỉ mỉ rõ ràng thì mỗi 1 tính trong 3 tính đều có nghĩa trung đạo. Như tính Biến kế sở chấp là tính có, lí không, trên vọng tình thì có, nên chẳng phải không; nhưng nói theo lí thì là không, nên chẳng phải có, đó là Trung đạo chẳng có chẳng không. Tính Y tha khởi trên sự hòa hợp của các duyên là giả tồn tại, cho nên là giả có, thực không, vì là giả có nên chẳng phải là không; vì là thực không nên chẳng phải có; đó là Trung đạo chẳng có chẳng không. Còn tính Viên thành thực thì xa lìa tất cả vọng tưởng và không có tướng, nên chẳng phải có; nhưng vì nó là tính chân thực thường trụ nên chẳng phải không, đó là Trung đạo chẳng phải có, chẳng phải không. Trên đây là căn cứ vào 1 tính trong 3 tính để lập nghĩa Trung đạo, gọi là Nhất pháp trung đạo. Hoặc có thuyết cho rằng Nhất pháp trung đạo là căn cứ vào Tam tính đối vọng mà lập ra thể của tính Viên thành thực, trên tính Y tha khởi thành là Nhất pháp, rồi trên nhất sắc, nhất hương mà bàn về lí trung đạo. Vì thế, Bách pháp vấn đáp sao quyển 8 cho rằng ngoài Tam tính đối vọng trung đạo ra, không có nghĩa Nhất pháp trung đạo. [X. Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.1, phần đầu; Thành duy thức luận đồng học sao Q.7, phần 3]. (xt. Trung Đạo).