nhất phần thường luận

Phật Quang Đại Từ Điển

(一分常論) Cũng gọi Tứ chủng nhất phần thường luận, Tứ nhất phần thường luận. Ngoại đạo chấp thường kiến, 1 trong 62 kiến chấp của ngoại đạo ở Ấn độ đời xưa. Ngoại đạo này chấp sắc pháp(vật chất) và tâm pháp(tinh thần)1 phần vô thường, 1 phần thường còn, vì thế gọi là Nhất phần thường luận, gồm có 4 loại: 1. Ngoại đạo được Túc trụ thong (thần thông biết được đời trước) có năng lực thấy được các việc đời trước, cho rằng các loài đều do ý muốn của Phạm thiên tạo ra, nhưng không thấy được sự bắt đầu và kết thúc của Phạm thiên, vì thế nên cho Phạm thiên là thường, còn tự thân mình và thế gian là vô thường. 2. Chấp sắc pháp diệt mất và tâm pháp thường còn, hoặc chấp tâm pháp diệt mất, sắc pháp thường còn. Hoặc cho rằng sắc pháp là 1 phần của tâm pháp, nên là thường còn.3. Chấp mình từ cõi trời Hí vong sinh xuống nhân gian, nhờ Túc trụ thông biết được quá khứ, cho rằng trụ xứ của mình ở kiếp trước là thường còn. 4. Chấp mình từ cõi trời Ý ức khuể sinh xuống nhân gian, nhờ Túc trụ thông biết được quá khứ, nhận rằng chỗ mình ở trong đời trước là thường còn. Ngoại đạo chấp trước loại kiến giải trên, tương đương với tông Tự tại đẳng nhân trong 16 tông ngoại đạo. [X. kinh Phạm động trong Trường a hàm Q.14; luận Đại tì bà sa Q.199; luận Du già sư địa Q.6; Đại thừa nghĩa chương Q.6]. (xt. Lục Thập Nhị Kiến, Thường Kiến).