nhất nguyệt tam chu

Phật Quang Đại Từ Điển

(一月三舟) Một mặt trăng 3 con thuyền. Trăng ví dụ đức Phật, 3 thuyền ví dụ căn cơ sai khác của chúng sinh. Ở đây, ý nói dưới ánh trăng vằng vặc, người đi thuyền về hướng nam nghìn dặm, thấy trăng đi theo mình về nam; người chèo thuyền về hướng bắc 10 dặm, cũng thấy trăng theo mình về bắc; còn người ngồi yên trên thuyền đậu ở 1 chỗ thì không thấy trăng di động. Nhưng mặt trăng thì chỉ là 1, không hề có sai khác. Chỉ 1 vầng trăng, nhưng do thuyền đi, thuyền đậu, mà người ngồi trên thuyền thấy có khác nhau. Điều này ví dụ vì cơ cảm của chúng sinh bất đồng nên thấy thân Phật không giống nhau. Kinh Hoa nghiêm quyển 16 (Đại 10, 80 hạ) nói: Bấy giờ, nhờ uy thần của đức Như lai, tất cả thế giới trong trong 10 phương, mỗi 4 thiên hạ trong cõi Diêm phù đề, đều trông thấy Như lai ngồi dưới gốc cây, mỗi đức Phật đều có chúng Bồ tát nhờ thần lực của Phật diễn nói chính pháp; những người trông thấy ai cũng nói chính mình được diện kiến đức Phật. Lúc ấy, đức Thế tôn vẫn không rời khỏi gốc cây Bồ đề. Ý trong đoạn kinh trên cho rằng Như lai chứng được bồ đề, cái thể ấy không có chỗ nương, không có trú xứ, không đi, không đến, chỉ tùy theo cơ cảm của chúng sinh mà hiển hiện Ứng thân khác nhau thôi.