nhất nguyên luận

Phật Quang Đại Từ Điển

(一元論) Anh ngữ: Monism. Đối lại: Nhị nguyên luận, Đa nguyên luận.Kiến giải căn cứ vào 1 nguyên lí duy nhất để thuyết minh toàn thể vũ trụ. Luận thuyết này cho rằng căn bản của vũ trụ thế giới là 1 và muôn sự muôn vật trong vũ trụ đều bắt đầu từ cái 1 ấy, vì thế gọi là Nhất nguyên luận. Còn Nhị nguyên luận thì chủ trương thần linh và thế giới, tinh thần và vật chất, bản chất và hiện tượng… hoàn toàn đối lập nhau. Nhất nguyên luận, trái lại, cho rằng hết thảy vạn vật đều từ 1 nguyên lí căn bản sinh thành, cho nên không có sự đối lập giữa thần linh và thế giới, giữa tinh thần và vật chất… Tư tưởng giới Ấn độ dựa theo thuyết Nhất nguyên luận mà phát sinh ra nhiều luận phái khác nhau, như triết học Phệ đà chủ trương bản chất của vũ trụ là Phạm (Phạm: Brahman), bản chất chủ thể cá nhân là Ngã (Phạm: Àtman), 2 nguyên lí này cùng là 1 thể, tức Phạm-Ngã nhất như. Vũ trụ vạn hữu cuối cùng sẽ trở về Phạm và Ngã này. Muốn biểu hiện cái nội dung bản chất của luận thuyết Nhất nguyên này thực không phải việc dễ, vì thế mới nảy sinh ra các quan niệm về thực tại (Phạm: Sat, có), tinh thần (Phạm: Cit, biết), chí phúc (Phạm: Ànanda, vui mừng)… Tuy nhiên, loại Nhất nguyên luận bản chất tuyệt đối này lại khó giải thích được mọi sự phát sinh của hiện tượng giới, như những hiện tượng vật chất thuộc tự nhiên giới và những cái khổ, cái ác… thuộc tinh thần giới của con người. Muốn phân định sự đối lập giữa nguyên lí tinh thần (Phạm: Puruwa- Thần ngã) và nguyên lí vật chất (Phạm:Prakfti- Tự ngã) để giải quyết những vấn đề trên mà Nhị nguyên luận xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thời đại. Ngoài ra, còn có thuyết Nhất nguyên duy vật luận của phái Lục sư ngoại đạo. Các luận thuyết kể trên đều có chỗ mâu thuẫn của chúng. Để giải quyết những quan niệm thiên chấp sai lầm, Phật giáo bèn khẳng định thái độ cùng lập trường của mình và nhất khái phủ định tất cả nguyên lí cố định về tinh thần, vật chất, thần, ngã, hoặc thuyết Hình nhi thượng học (siêu hình học) v.v… Phật giáo Tiểu thừa phân loại những yếu tố (pháp) cấu tạo thành các loại hiện tượng giới, nên sản sinh ra thuyết 75 pháp chia làm 5 vị và 100 pháp chia làm 5 vị mà thành là 1 trong những học thuyết Đa nguyên luận. Phật giáo Đại thừa thì lại tông hợp các pháp mà gọi là chân như, pháp tính, thực tướng, Phật tính, Như lai tạng, duy tâm, nhất niệm v.v… mà thành là 1 Nhất nguyên luận. Còn về nguồn gốc của các hiện tượng giới thì Phật giáo Đại thừa cho là vô minh và A lại da thức. Về mối quan hệ giữa vô minh và chân như thì đã có nhiều tranh luận. Tóm lại, Phật chưa từng xem những khái niệm về Nhất nguyên, Nhị nguyên, Đa nguyên… là những nguyên lí thực thể cố định, mà nhìn chung là những cái đó không có tự tính. Đây là thái độ cơ bản của Phật giáo về vũ trụ quan.