nhất hạnh tam muội

Phật Quang Đại Từ Điển

(一行三昧) Phạm: Ekavyùha-sanàdhi. Cũng gọi Nhất tam muội, Chân như tam muội, Nhất tướng tam muội, Nhất tướng trang nghiêm tam ma địa. Chính định do tâm chuyên chú vào 1 hạnh mà tu tập, có 2 loại Lí và Sự. 1. Về Lí: Nhất hạnh tam muội là tam muội định tâm quán xét pháp giới 1 tướng bình đẳng. Vào Tam muội này thì biết rõ Pháp thân của hết thảy chư Phật và thân của chúng sinh là bình đẳng không hai, không có tướng sai khác. Cho nên trong tất cả mọi cử chỉ như: Đi, đứng, ngồi, nằm đều thuần nhất 1 trực tâm, không động đạo tràng, liền thành Tịnh độ. Luận Đại trí độ quyển 47 (Đại 25, 401 trung) nói: Hành giả vào được Nhất trang nghiêm tam muội thì quán xét các pháp đều là 1, hoặc quán vì tất cả pháp có tướng nên là 1, hoặc quán vì tất cả pháp không tướng nên là 1, hoặc quán vì tất cả pháp đều không nên là 1, cứ như thế vô lượng đều là 1 (…) Tam muội này thường chỉ có 1 hạnh. Trong Tam muội tương ứng với rốt ráo khôngnày không có 1 thứ hạnh nào khác. 2. Về Sự: Nhất hạnh tam muội là Niệm Phật tam muội do nhất tâm niệm Phật. Kinh Văn thù sư lợi sở thuyết Ma ha bát nhã ba la mật quyển hạ (Đại 8, 731 trung) nói: Này các thiện nam tử, thiện nữ nhân! Muốn vào được Nhất hạnh tam muội, thì phải ở những nơi vắng vẻ, buông bỏ vọng tưởng, không chấp tướng mạo, buộc tâm vào 1 đức Phật, niệm danh hiệu của Ngài. Đức Phật mà mình đã chọn ở phương nào thì ngồi ngay thẳng xoay mặt về hướng ấy, 1 lòng chuyên niệm, liên tục không gián đoạn, thì ngay trong niệm ấy thấy được chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai. [X. kinh Đại bảo tích Q.47; kinh Đại phẩm bát nhã Q.5; luận Đại trí độ Q.43; Đại thừa khởi tín luận nghĩa kí Q.hạ].