nhật dịch phật điển

Phật Quang Đại Từ Điển

(日譯佛典) Chỉ cho những kinh sách Phật giáo được dịch ra tiếng Nhật bản. Từ thời đại Bình an trở đi, đối với kinh điển Phật bằng chữ Hán, để tiện cho người Nhật đọc tụng, bên cạnh chữ Hán có thêm những Huấn điểm (ở phía bên phải chữ Hán thêm giả danh và tiêu điểm) hoặc những Phản điểm (ở phía bên trái câu văn chữ Hán thêm những phù hiệu như V… hoặc nhất, nhị, tam, tứ, thượng, trung, hạ, giáp, ất, bính… để biểu thị thứ tự của cách đọc tụng), hoặc viết thành hình thức diên thư (tương tự như trực thư nhưng không có tiêu đề) như các kinh A di đà, Vô lượng thọ, Pháp hoa… Lại như Kim tích vật ngữ là bộ sách tiếng Nhật được dịch từ những truyện cổ trong kinh điển Phật bằng chữ Hán. Rồi từ thời đại Liêm thương về sau thì có những diên thư được soạn thuật bằng Hán văn như: Vãng sinh yếu tập, Tuyển trạch bản nguyện niệm Phật tập…Trong loại diên thứ có những pho sách lớn như: Quốc dịch Đại tạng kinh, 30 quyển (được dịch từ năm 1917 đến 1928, do Hội Văn khố quốc dân Nhật bản ấn hành), Chiêu hòa tân soạn quốc dịch Đại tạng kinh, 48 quyển (Thư viện Đông phương), Quốc dịch nhất thiết kinh, 156 quyển (nhà xuất bản Đại đông ở Nhật bản ấn hành), Quốc dịch thiền học đại thành, 25 quyển (Nhị tùng đường), Quốc dịch Mật giáo, 16 quyển, Quốc dịch bí mật nghi quĩ, 33 quyển (Hội ấn hành sách quí Phật giáo)… Từ những năm cuối thời Minh trị trở đi, những kinh điển Phật bằng các thứ tiếng Phạm,Pàli, Tây tạng, Cổ ngữ Thổ nhĩ kì… đều được dịch ra tiếng Nhật. Nam truyền Đại tạng kinh (do Hội Kỉ niệm công đức của Tiến sĩ Cao nam)chính là bản dịch toàn bộ Đại tạng kinh tiếng Pàli. [X. Phật giáo Thánh điển khái thuyết; Đại đường tây vực kí chi Hòa dịch bản (Thốc thị Hựu tường, Tông giáo nghiên cứu 8)].