nhất đạo vô vi tâm

Phật Quang Đại Từ Điển

(一道無爲心) Cũng gọi Như thực nhất đạo tâm, Như thực tri tự tâm, Không tính vô cảnh tâm, Nhất như bản tịnh tâm. Tâm một đạo thanh tịnh vô vi. Tức là tâm thanh tịnh xa lìa các thứ tạo tác, các chấp trước hữu vi, vô vi mà an trụ nơi lí Nhất đạo. Trong giáo nghĩa của Mật giáo, tâm Nhất đạo vô vi là tâm thứ 8, trong 10 Trụ tâm. Nghĩa là dùng quán trí nhất thực trung đạo mà thấu suốt Lí, trí 1 thể; cảnh, giới không 2 rồi thể chứng sự lí tương tức của tất cả các pháp. Hành giả Mật giáo trong quá trình vượt qua 3 kiếp, ở kiếp thứ 2 tuy đã rõ suốt muôn pháp duy 1 tâm, ngoài tâm không pháp khác, nhưng còn sợ chìm trong chân như vô vi, thế nên biết ở Trụ tâm thứ 8 này không lìa nhân duyên mà chứng lí pháp giới. Đồng thời, tâm cũng chẳng động pháp giới mà vẫn tùy duyên hiển hiện 1 cách tự tại để tạo thành vạn hữu. Nghĩa là hành giả Mật giáo đã thấu suốt lí nhân duyên sinh diệt tức là pháp giới sinh diệt, pháp giới bất sinh diệt tức là nhân duyên bất sinh diệt mà xa lìa những kiến chấp hữu vi, vô vi. Phẩm Trụ tâm kinh Đại nhật quyển 1 (Đại 18, 3 trung) nói: Tính Khônglìa căn và cảnh, không có tướng, không cảnh giới, vượt ngoài các lí luận, đồng đẳng với hư không vô biên, tất cả Phật pháp đều nương vào tính Không ấy mà tiếp tục sinh tồn, xa lìa cõi hữu vi, vô vi, không còn tạo tác, lìa khỏi mắt tai mũi lưỡi thân ý… Ngoài ra, giáo nghĩa của tông Thiên thai cho rằng Các pháp là thực tướng, duy sắc tức duy tâm. Tức là nói thể của sắc pháp và tâm pháp không 2, chính báo và y báo đều cùng 1 lí, căn và cảnh ở cả trong tâm, trong nhất như bặt hết trí và cảnh, cho nên giáo thuyết của tông Thiên thai có thể phối với Trụ tâm thứ 8 của Mật giáo. Nhưng có khác nhau ở tông Thiên thai cho giáo thuyết này là cùng tột, còn hành giả Mật giáo thì không chịu dừng lại ở đó. [X. Ma ha chỉ quán Q.1; Bí tạng bảo thược Q.thượng; luận Thập trụ tâm Q.8].