nhất đa tương dung bất đồng môn

Phật Quang Đại Từ Điển

(一多相容不同門) Môn một và nhiều khác nhau nhưng dung hòa nhau, là 1 trong 10 Huyền môn của tông Hoa nghiêm. Môn này căn cứ vào Dụng mà thuyết minh, tức là dựa vào mối quan hệ tương nhập của các pháp để phá trừ cái nghi chấp của chúng sinh cho rằng tất cả các pháp không thể dung nhiếp lẫn nhau, hòa nhập vào nhau. Trong nhiều sự vật khác nhau, đưa ra 1 sự vật nào đó thì sự vật ấy là 1 (nhất), vô số sự vật còn lại là nhiều (đa). Nếu khi 1 biến khắp nhiều, thì nhiều dung chứa 1; khi nhiều biến khắp 1, thì 1 dung chứa nhiều. Mặc dù dung chứa lẫn nhau, nhưng 1 và nhiều vẫn rõ ràng khác nhau, nên gọi là Bất đồng. Như 1 ngọn đèn và nhiều ngọn đèn cùng chiếu sáng trong 1 căn phòng, dù 1 ngọn đèn và nhiều ngọn đèn được đặt ở các vị trí khác nhau, nhưng ánh sáng của chúng vẫn giao xen với nhau, hòa nhập vào nhau, không có gì ngăn ngại. Cũng như 1 cõi Phật và tất cả cõi Phật trong 10 phương dung nạp lẫn nhau mà không làm mất đi cái tướng 1 và nhiều. [X. kinh Hoa nghiêm Q.8 (bản dịch mới); phẩm Lô xá na Phật trong kinh Hoa nghiêm (bản dịch cũ); Hoa nghiêm ngũ giáo chương Q.4; Hoa nghiêm kinh thám huyền kí Q.1; Hoa nghiêm tùy sớ diễn nghĩa sao Q.10]. (xt. Thập Huyền Môn).