nhất âm giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(一音教) Cũng gọi Nhất viên âm giáo, Nhất âm thuyết pháp, Nhất âm dị giải. Nghĩa là đức Phật chỉ dùng 1 thứ ngôn ngữ diễn nói tất cả pháp, chúng sinh tùy theo căn tính bất đồng mà hiểu khác nhau, giáo nghĩa do đó cũng chia thành Đại Tiểu, Không Hữu, Đốn Tiệm… khác nhau. Luận Đại tì bà sa quyển 79 (Đại 27, 410 thượng) nói: Phật dùng nhất âm diễn nói pháp nghĩa, chúng sinh tùy theo căn cơ và chủng loại đều được hiểu. Đại chúng bộ trong thời Phật giáo bộ phái chấp nhận thuyết này. Phật giáo Trung quốc cũng lấy thuyết này làm căn cứ cho việc phán giáo. Chẳng hạn như ngài Bồ đề lưu chi đời Hậu Ngụy cho rằng trong Nhất âm giáo của đức Phật bao hàm các giáo pháp Đại thừa và Tiểu thừa; còn ngài Cưu ma la thập đời Diêu Tần thì cho rằng khi chúng sinh nghe Phật pháp vì trình độ hiểu biết của họ có sâu, cạn khác nhau, do đó mà có Đại thừa, Tiểu thừa. Hoa nghiêm ngũ giáo chương quyển 1 (Đại 33, 801 trung) nói: Các Thiền sư ở miền Bắc bác bỏ các giáo nghĩa Tứ tông, Ngũ tông, Lục tông, Bán giáo, Mãn giáo, chỉ có một Phật thừa mà thôi. Nhất âm thuyết pháp, nhưng chúng sinh tùy theo căn cơ mà hiểu khác nhau. Do đó, chư Phật thường hành Nhất thừa mà chúng sinh thấy Tam thừa, kì thực chỉ có Nhất thừa mà thôi. [X. phẩm Phật quốc trong kinh Duy ma Q.thượng; Hoa nghiêm kinh thám huyền kí Q.1; Hoa nghiêm kinh sớ Q.1; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.1, phần đầu; Pháp hoa huyền nghĩa Q.10, thượng].