NHẬP PHÁP GIỚI
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

Mục Lục

 

LỜI DẪN

Bộ kinh HOA NGHIÊM, dài chừng 5000 trang, là bộ kinh nhằm diễn giải về cái bí ẩn của pháp giới này cũng như về sự hiện hữu của các chúng hữu tình và y báo vô tình. Tuệ giác của kinh không dừng ở quan niệm đơn sơ về một vị Thượng đế mô phỏng theo nhân ảnh và biết thưởng phạt, mà dẫn dắt chúng ta đi rất xa, rất sâu vào bình diện Nhất nguyên phi thần hóa. Tới những áng mây tuyệt vời che phủ niềm cô liêu bất nhị của ngọn núi Tuyết sơn… Tới BIỂN TÂM UYÊN NGUYÊN… tuy mịt mùng hư ảo VÔ HÌNH TƯỚNG nhưng lại chính là cỗi nguồn nguyên sơ của tất cả vũ trụ này.

Và trên mặt Biển Tâm trong vắt và không có một vật ấy, tùy theo nghiệp lực ĐIÊN ĐẢO của chúng sanh đứng nhìn, đã mọc lên bời bời vô lượng những sắc tướng trùng điệp, chập chùng xen lẫn, chập chùng ẩn hiện.

Vì sao?

Vì tất cả pháp giới như-không-ngằn-mé này, chỉ được DỆT nên bằng những QUANG MINH tâm thức, những quang minh này xoay vần miên viễn, lần lần chuyển động chậm lại do vọng tưởng vọng tình rồi kết tụ thành những sắc tướng. Đó là một màn ẢO HÓA chập chùng biến hiện của vô lượng những màn lưới quang minh, những màn THIÊN LA VÕNG phát xuất từ NGHIỆP LỰC HẢI của chúng sanh, cũng như từ NGUYỆN LỰC HẢI của chư Đại bồ tát và THẦN LỰC HẢI của những tâm niệm vô nhiễm của chư Phật.

Lời kinh xưa dạy như vậy.

Trong các kinh lớn của nhà Phật, kinh HOA NGHIÊM là lâu đài nguy nga đồ sộ nhất. (Suzuki cũng nhận định rằng kinh Hoa Nghiêm là một lâu đài giáo lý mà các tôn giáo khác không có nổi…) Và trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm NHẬP PHÁP GIỚI là lạ lùng kỳ diệu nhất, độc nhất vô nhị.

Phẩm Nhập Pháp Giới, dài 1300 trang, mô tả một cách vô cùng kỳ thú, cuộc hành trình của một vị hành giả, của ngài THIỆN TÀI đồng tử, đi lần lần học hỏi qua 53 vị thiện tri thức, cách thức ĐI SÂU VÀO BIỀN TÂM, qua những giai đoạn Không quán rồi Giả quán, Trung quán. Nhưng thực sự là Giả và Trung quán.

Tuy bối cảnh của cuộc hành trình là cả pháp giới mênh mang bao la này, nhưng thực ra, cuộc hành trình chi trải ra trong Tàng thức sơ năng biến của ngài, cũng như trong Tàng thức của các bậc Thiện tri thức… Rốt cuộc, ngài nhập vào LỖ CHÂN LÔNG của ngài Phổ Hiền, đi trong đó 12 năm, rồi:

NHẬP PHÁP GIỚI…!!!

Trong các kinh nhà Phật, thường chỉ nói tới Giải thoát, rất ít khi nói tới Nhập pháp giới… Riêng kinh Hoa Nghiêm chỉ nhấn mạnh tới Nhập pháp giới.

Vậy thế nào là GIẢI THOÁT? Thế nào NHẬP PHÁP GIỚI?

Giải thoát cho riêng mình không phải là cứu cánh của giáo lý Phật, mà chỉ là một chặng đường. Trong khi Nhập pháp giới mới chính là cứu cánh tuyệt vời tối hậu.

Giải thoát là khi hành giả tiến tu trên lịch trÌnh Không quán, lần lần vượt qua bốn màn sương mù Sắc Thọ Tưởng Hành ấm, vào Diệt tận định, bước vào bờ mé của Tàng thức sơ năng biến. Rồi ngồi đó, dùng Trí huệ vô lậu quán chiếu các Phiền não chướng tham sân si mạn, nghi là những mầm mống sanh tử, tiêu dung các thứ đó. Lúc ấy, hành giả không còn phải thọ sanh nữa, chấm dứt Phân đoạn sanh tử, bước vào trạng thái niết bàn an lạc tịch diệt của các bậc Giải thoát cho riêng mình.

Vị đó, tuy đã tiêu dung phiền não chướng và chấm dứt Phân đoạn sanh tử, song còn những Sở tri chướng của Biến dịch sanh tử vi tế.

Cho nên, hành giả tu Bồ tát đạo không dừng chân ở bờ Giải thoát. Mà còn tiến xa hơn nữa, sâu hơn nữa… Còn LẶN SÂU hơn vào Tàng thức, khởi Giả quán và Trung quán, đi tới chỗ Tột không tức Diệu hữu, tới Đại niết bàn Đại tịch diệt của chư Như lai. Để tiêu dung mọi biến dịch sanh tử vì tế, mọi ranh giới giữa Tự và Tha, giữa Chánh báo cùng Y báo. Để Thân tâm bao trùm pháp giới, NHẬP MỘT với pháp giới… Lúc đó, không một cọng hoa nào nở, không một vi trần dấy lên, không một tinh hà thành hoại, không một tâm niệm nào khởi lên… mà Bậc đó không hay biết. Vì sao? Vì tất cả đều ở trong thân tâm Bậc đó… Lúc đó, Thân là Cõi và cõi là thân…

Và Nhập pháp giới chính là đắc VÔ THƯỢNG CHẢNH GIÁC.

Tôi có cái hạnh ngộ (không biết do túc duyên nào?!), tụng kinh Hoa Nghiêm, và diễn giảng trong mấy năm tại một ngôi chùa nhỏ ở Santa Ana… Và phẩm Nhập pháp giới đã khiến tôi say mê thích thú, tưởng chừng như đọc một bộ tiểu thuyết nhà trời kỳ diệu.

Những trang sau đây là phẩm Nhập pháp giới diễn giảng, lời giảng thường đi theo lời kinh được trích yếu.

Tuy lời diễn giảng nôm na, đôi khi thô lậu, nhưng có thể góp ý và gợi ý cùng bạn đọc về cuộc hành trình Đi Sâu vào Biển Tâm.

Và bây giờ, xin mời bạn đọc theo dõi từng bước chân, từng cử chỉ lời nói của ngài Thiện Tài đồng tử.

Nam mô Văn Thù, Phổ Hiền Đại Bồ Tát

Cung kính đề
Tịnh Liên

 

ĐI, đi mãi… đi hoài đi hủy… trong pháp giới xum la vạn tượng và như không-ngằn-mé này, cũng chỉ là ĐI TRONG VƯỜN TÂM của mình thôi.