Nhập Lăng-già kinh

Từ điển Đạo Uyển


入楞伽經; C: rù lèngqié jīng; J: nyū ryōga kyō; S: laṅkāvatāra-sūtra; Một bộ kinh Ðại thừa, đặc biệt nhấn mạnh đến tính giác ngộ nội tại, qua đó mọi hiện tượng nhị nguyên đều biến mất, đạt tâm vô phân biệt. Ðó là tâm thức đã chứng được Như Lai tạng (s: tathāgata-garbha) vốn hằng có trong mọi loài. Kinh này chỉ rõ văn tự không đóng vai trò quan trọng gì trong việc trao truyền giáo pháp. Kinh này có ba bản dịch Hán ngữ: 1. Bản dịch của Cầu-na Bạt-đà-la (s: guṇabhadra) dưới tên Lăng-già A-bạt-đa-la bảo kinh (楞伽阿跋佗羅寶經) 4 quyển; 2. Bản của Bồ-đề Lưu-chi (s: bodhiruci) với tên Nhập Lăng-già kinh (入楞伽經), 10 quyển; 3. Ðại thừa nhập Lăng-già kinh (大乘入楞伽經) của Thật-xoa Nan-đà (śikṣānanda), 7 quyển. Những thuyết trong kinh này rất gần với quan điểm của Thiền tông. Cùng với kinh Kim cương bát-nhã ba-la-mật-đa và Ðại thừa khởi tín luận (s: mahāyānaśraddhotpāda-śāstra), kinh Nhập Lăng-già là một trong những bộ kinh Ðại thừa có ảnh hưởng lớn đến Thiền tông Trung Quốc. Người ta cho rằng bộ kinh này do Bồ-đề Ðạt-ma (bodhi-dharma), Sơ tổ thiền Trung Quốc chính tay truyền cho Nhị tổ Huệ Khả. Ngay cả giáo pháp tiệm ngộ (giác ngộ từng bậc) của Thần Tú cũng bắt nguồn từ kinh Nhập Lăng-già này. Kinh bao gồm 9 chương văn xuôi trộn lẫn với các câu kệ và một chương chỉ toàn văn vần. Kinh này lần đầu được dịch ra Hán văn trong thế kỉ thứ 5. Kinh Nhập Lăng-già được Phật thuyết tại Tích Lan, theo lời mời của một nhà vua xứ này, trong đó Phật trả lời những câu hỏi của Bồ Tát Ðại Huệ (mahāmati). Giáo pháp trong kinh này là nền tảng của Duy thức tông (s: yogācāra, vijñānavāda).