nhập bất nhị pháp môn

Phật Quang Đại Từ Điển

(入不二法門) Gọi tắt: Nhập bất nhị môn. Vượt ra ngoài thế giới hiện tượng sai biệt tương đối mà tiến vào cảnh giới bình đẳng tuyệt đối. Trong phẩm Nhập bất nhị pháp môn của kinh Duy ma, quyển trung, có ghi lại cuộc đàm luận về Nhập bất nhị pháp môn giữa bồ tát Văn thù sư lợi cùng với 32 vị Bồ tát và cư sĩ Duy ma cật. Trong cuộc đàm luận này, đối với nguyên lí tương đãi như sinh diệt, thiện ác… các vị Bồ tát đều đưa ra giải đáp tuyệt đãi, vượt ra ngoài vòng đối đãi và cho đó là pháp môn Bất nhị. Ngài Văn thù sư lợi thì cho rằng không nói, không bàn, không chỉ dạy, không biết là pháp môn Bất nhị. Còn cư sĩ Duy ma cật thì im lặng, không nói (Mặc bất nhị)để hiển bày pháp môn Bất nhị. Có nhiều nhận xét khác nhau về ý nghĩa nội dung của cuộc đàm luận trên. Ngài Tăng triệu cho rằng cảnh giới của cư sĩ Duy ma cật là cao hơn cả. Ngài Tuệ viễn cho rằng pháp môn tuy khác, nhưng diệu chỉ thì dung thông, tất cả chỉ là 1 nghĩa được thu tóm trong 2 môn Khiển tướng và Dung tướng mà thôi. 1. Môn khiển tướng: Quan điểm của các vị Bồ tát là xả bỏ tương đối để biểu thị tuyệt đối. 2. Môn dung tướng: Quan điểm của ngài Văn thù và Duy ma cật là không xả bỏ gì cả, vì tương đối và tuyệt đối là cùng 1 thể. [X. Duy ma kinh nghĩa kí Q.3, phần cuối; Chú Duy ma cật kinh Q.8].