nhân vương hội

Phật Quang Đại Từ Điển

(仁王會) Cũng gọi Nhân vương trai, Nhân vương bát nhã hội, Nhân vương đạo tràng, Bách tòa đạo tràng, Bách tòa hội. Pháp hội tuyên giảng và tán thán kinh Nhân vương bát nhã để cầu nguyện mưa hòa gió thuận, đất nước thanh bình, nhân dân an lạc. Theo kinh Nhân vương, khi nước nhà bị tai nạn loạn lạc, nếu trì tụng kinh này thì mùa màng bội thu, dân giầu nước yên. Tại Trung quốc, vào năm Vĩnh định thứ 3 (559) đời vua Vũ đế nhà Trần thời Nam Bắc triều, vua ban sắc thiết lập Nhân vương đại trai trong cung, đó là khởi nguồn của loại pháp hội này. Từ đó về sau, mỗi năm cử hành pháp hội 2 lần, giảng kinh Nhân vương bát nhã. Năm Chí đức thứ 3 (585), Trần hậu chủ(kế vị Vũ đế)thỉnh Đại sư Trí khải chủ giảng Nhân vương bát nhã bách tòa ở điện Thái cực. Năm Trinh quán thứ 3 (629) đời Đường, vua Thái tông ban sắc cho tăng ni trong kinh thành, ngày 27 hàng tháng hành đạo, giảng tụng kinh Nhân vương để cầu phúc cho nước nhà. Thời vua Đại tông, ngài Tam tạng Bất không dịch kinh Nhân vương hộ quốc bát nhã ba la mật đa (bản dịch mới), cũng nhiều lần lập hội giảng tụng, hoặc cầu mưa, hoặc cầu dẹp yên quân giặc. Đời sau, loại pháp hội này rất thịnh hành. Tại Nhật bản, Thiên hoàng Tề minh thiết lập pháp hội tu Nhân vương bát nhã lần đầu tiên vào năm Tề minh thứ 6 (660). Từ đó về sau, mỗi khi Thiên hoàng lên ngôi thì khắp nơi trên toàn quốc đều tu pháp hội Nhân vương bát nhã, gọi là Nhất đại nhất độ Nhân vương hội. Ngoài ra còn có hội Nhân vương lâm thời được cử hành vào những dịp lễ lớn của quốc gia, hội Nhân vương trong 2 mùa Xuân và Thu, hội Nhân vương của Mạc phủ v.v… Tại Cao li, từ vua Văn tông (1047-1082) trở về sau, cũng có nhiều lần thiết lập Bách tòa Nhân vương hội. [X. Phật tổ thống kỉ Q.6, 37, 39; Tùy Thiên thai Trí giả đại sư biệt truyện; Quốc thanh bách lục Q.1; Tục cao tăng truyện Q.7; Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục Q.14, 16; Nhật bản thư kỉ Q.26, 29, 30; Cao li sử Q.4-10].