nhân trung hữu quả

Phật Quang Đại Từ Điển

(因中有果) Phạm: Sat-kàrya. Trong nhân có sẵn tính chất của quả. Đây là chủ trương của học phái Số luận trong 6 phái Triết học ở Ấn độ đời xưa. Học phái này cho rằng sự sinh thành của muôn vật là sự khai phát của tự tính, vì thế trong tự tính tự nhiên đã có sẵn tính chất quả của muôn vật, như từ cát không thể ép cho ra dầu, nhưng ép vừng (mè)thì được dầu; nếu trong nhân không có sẵn tính quả thì không thể sinh ra quả. Thuyết này ngược lại với thuyết Trong nhân không quả của học phái Thắng luận. [X. luận Kim thất thập Q.thượng; luận Du già sư địa Q.6; luận Hiển dương thánh giáo Q.9; Ma ha chỉ quán Q.10, thượng]. (xt. Nhân Trung Vô Quả).