nhân quả báo ứng

Phật Quang Đại Từ Điển

(因果報應) Cũng gọi Nhân quả ứng báo, Nhân quả nghiệp báo, Thiện ác nghiệp báo. Gieo nhân thì được quả, lí ấy rất rõ ràng, không sai lầm. Nghĩa là tất cả mọi sự vật đều bị pháp tắc nhân quả chi phối; hễ nhân lành ắt sinh quả lành, gọi là Thiện nhân thiện quả; còn nhân ác thì chắc chắn mang lại quả ác, gọi là Ác nhân ác quả, không hề sai trật. Kinh Vô lượng thọ quyển hạ (Đại 12, 277 thượng) nói: Trong khoảng trời đất, năm đường phân minh, mông mênh mờ mịt, thiện ác báo ứng, họa phúc theo nhau. Luận Du già sư địa quyển 38 thì nói: Đã làm rồi thì không mất, chưa làm thì không có. Đó là đặc điểm của Nhân quả luận trong Phật giáo, tức là bất cứ 1 hành vi tư tưởng nào cũng chắc chắn mang lại hậu quả tương ứng sau này. Khi nhân chưa sinh ra quả thì không thể làm cho nhân mất đi; trái lại, nếu không tạo nghiệp nhân thì chắc chắn cũng không có quả báo tương ứng. Ngoài ra, luật Nhân quả báo ứng không phải chỉ chi phối những hành vi ở hiện tại, mà nó cũng ảnh hưởng đến cả quá khứ và vị lai. Nghĩa là quả báo hiện tại là do hành vi tạo nghiệp nhân thiện ác ở quá khứ và họa phúc báo ứng trong vị lai là do hành vi tạo nghiệp nhân thiện ác ở đời này. [X. kinh Luân chuyển ngũ đạo tội phúc báo ứng; kinh Quá khứ hiện tại nhân quả Q.4; Pháp uyển châu lâm Q.70]. (xt. Nhân Quả).