nhân quả

Phật Quang Đại Từ Điển

(因果) Phạm: Hetu-phala. Chỉ cho nguyên nhân và kết quả, cũng tức là luật nhân quả. Trong hệ thống giáo nghĩa của Phật giáo, luật nhân quả được sử dụng như là lí luận cơ bản để thuyết minh tất cả sự quan hệ của thế giới. Bởi vì trong sự hình thành của hết thảy các pháp, thì nhân là năng sinh, quả là sở sinh. Tức là pháp nào có năng lực sinh ra kết quả là nhân, còn pháp nào từ nhân mà sinh ra là quả. Nếu nói về quan hệ nhân quả theo thời gian, thì nhân trước, quả sau, gọi là Nhân quả khác thời. Nhưng nếu nói về mặt không gian thì giống như những cây lau trong bó lau nương tựa vào nhau mà đứng vững, đó là quan hệ nhân quả theo nghĩa rộng, gọi là Nhân quả cùng thời. Về luận điểm nhân quả của ngoại đạo ở Ấn độ thời xưa, có thể chia làm 4 loại mà Phật giáo gọi là Ngoại đạo tứ chấp, hay đơn giản hơn là Tứ chấp. Đó là: 1. Nhân tà quả tà: Chủ trương nguyên nhân sinh ra muôn vật là do năng lực của trời Đại tự tại. 2. Không nhân có quả: Thừa nhận thế giới hiện tượng là quả, nhưng cho rằng nhân của quả này khó tìm biết được, nên phủ định nguyên nhân sinh ra quả này. 3. Có nhân không quả: Thừa nhận thế giới hiện tượng là nhân, nhưng cho rằng kết quả của cái nhân đó khó có thể tìm biết được, nên phủ định kết quả của nhân này.4. Không nhân không quả: Tức chối bỏ cả nhân lẫn quả. Ngoài 4 luận điểm trên, trong tư tưởng giới Ấn độ thời ấy còn có 2 luận thuyết nữa về nhân quả là: 1. Trong nhân có quả: Bà la môn giáo và học phái Số luận chủ trương thế giới hiện tượng do quả hiển hiện, thì quả ấy ắt đã có trong nhân, tức trong nhân thường có tính của quả, cho nên tính chất của nhân và quả giống nhau. 2. Trong nhân không quả: Học phái Thắng luận và những nhà tư tưởng đối lập với Bà la môn giáo cho rằng phải có nhiều yếu tố căn bản kết hợp lại với nhau mới có thể sinh khởi thế giới hiện tượng. Tức họ chủ trương trong nhân chưa chắc đã có tính của quả và phải có nhiều nhân hòa hợp với nhau mới có thể sinh ra quả; bởi thế họ cho rằng tính chất của nhân và quả hoàn toàn không giống nhau. Luận thuyết này cũng có thể được gọi là Trong quả có nhân. Về Nhân quả luận của Phật giáo thì đại khái có thể chia làm 2 hệ thống Đại thừa và Tiểu thừa. Tiểu thừa lấy tông Câu xá làm điển hình, đề ra thuyết Bốn duyên, sáu nhân, năm quả. Đại thừa thì lấy tông Duy thức làm đại biểu, chủ trương thuyết Bốn duyên, mười nhân, năm quả làm nội dung chính yếu của Nhân quả luận, nhưng đối với sự giải thích về 4 duyên, 5 quả thì quan điểm của Đại thừa và Tiểu thừa lại khác nhau. Tông Duy thức cho rằng muôn vật trong vũ trụ đều do chủng tử(hạt giống)hàm chứa trong thức A lại da biến hiện ra; các pháp do chủng tử biến hiện thành phải trải qua mối quan hệ nhân quả 3 pháp 2 lớp là: Chủng tử sinh hiện hành, Hiện hành huân chủng tử, Chủng tử sinh chủng tử, tác dụng xoay chuyển mà biến hiện ra muôn tượng la liệt trong vũ trụ. Trong đó, mối quan hệ Chủng tử sinh chủng tử là quan hệ nhân quả khác thời; còn quan hệ Chủng tử sinh hiện hành, Hiện hành huân chủng tử là quan hệ nhân quả cùng thời. Ngoài ra, trong 6 nhân, 5 quả, thì mối quan hệ giữa nhân Dị thục và quả Dị thục, giữa nhân Đồng loại, nhân Biến hành và quả Đẳng lưu… đều là quan hệ nhân quả khác thời. Còn mối quan hê giữa nhân Câu hữu, nhân Tương ứng và quả Sĩ dụng thì là quan hệ nhân quả cùng thời. Riêng mối quan hệ giữa nhân Năng tác và quả Tăng thượng thì gồm cả nhân quả khác thời và nhân quả cùng thời. Còn mối quan hệ giữa nhân Đồng loại và quả Đẳng lưu thì vì lấy pháp tự loại làm nhân, dẫn sinh ra quả Đẳng lưu đồng loại, nên gọi là Nhân quả tự loại. Những hành vi của chúng sinh có thể mang lại nhân quả khác thời, tức là nghiệp nhân thiện chắc chắn sẽ có quả báo thiện, nghiệp nhân ác ắt sẽ chiêu cảm quả báo ác, đó gọi là Thiện nhân thiện quả, Ác nhân ác quả. Nhưng nói 1 cách chặt chẽ thì phải gọi là Thiện nhân lạc quả, Ác nhân khổ quả. Đó là quả báo do 2 nghiệp thiện ác mang lại, thuộc về tính vô kí không thiện không ác. Còn nói thiện, ác là đặc biệt chỉ cái nhân chắc chắn, nhất định mang lại quả báo, vì thế không nên dùng quả thiện, quả ác để gọi quả báo. Lí nhân quả ấy rõ ràng không rối loạn, gọi là Nhân quả báo ứng. Nếu không thừa nhận sự tồn tại của lí nhân quả mà rơi vào kiến giải phủ định nhân quả, thì gọi là Bát vô nhân quả. Còn nếu đứng trên lập trường thực tiễn tu hành mà bàn về quan hệ nhân quả, thì nhờ nhân tu hành mà được quả thành Phật. Gọi là Tu nhân đắc quả, Tu nhân cảm quả hay Thù nhân cảm quả. Ngoài ra, do nghiệp nhân thiện ác mà mang lại quả báo khổ vui thì đó là mối quan hệ nhân quả giữa nhân Di thục và quả Dị thục. Còn do phúc đức (thiện nghiệp của thế gian) mà chiêu cảm quả vui cõi người, cõi trời, thì đó là quan hệ nhân quả giữa nhân phúc và quả phúc. Lại do tu tập trí tuệ mà được quả báo giác ngộ, thì đó là quan hệ nhân quả giữa nhân trí và quả trí. Ba loại quan hệ nhân quả trình bày trên đây gọi là Tam nhân tam quả. Còn thông thường nói Tam thế nhân quả, Nhân quả báo ứng… thì phần nhiều là chỉ cho mối quan hệ nhân quả giữa nhân Dị thục và quả Dị thục. Hết thảy các pháp đều do lí nhân quả mà sinh thành hoại diệt; sự hiển hiện của 10 cõi mê ngộ là do mối quan hệ nhân quả mà thành, như nhân quả thế gian, nhân quả xuất thế gian v.v… Nếu đứng về phương diện Tứ đế mà nói thì Khổ đế và Tập đế là nhân quả của cõi mê thế gian, còn Diệt đế và Đạo đế là nhân quả của cõi ngộ xuất thế gian. Tóm lại, lí nhân quả này thực sự là giáo lí cơ bản trọng yếu của Phật giáo, trong các kinh thường nói rõ về lí này, đồng thời, dùng lí nhân quả thiện ác báo ứng như bóng theo hình, nối nhau không dứt để khuyên người đới gắng sức bỏ ác làm lành, tu hành Phật đạo, để mau thoát khỏi cảnh giới hữu lậu khổ đau mà đạt đến cảnh giới vô lậu yên vui. [X. kinh Vô lượng thọ Q.hạ; luận Câu xá Q.6; luận A tì đạt ma phát trí Q.1, 15; luận Đại tì bà sa Q.10, 11, 16; luận Du già sư địa Q.5, 38; luận Hiển dương thánh giáo Q.18; luận Thành duy thức Q.3, 7, 8; Đại thừa nghĩa chương Q.3, 4]. (xt. Thập Nhân, Ngũ Quả, Lục Nhân, Tứ Duyên, Nhân, Chủng Tử).