nhân pháp nhị không

Phật Quang Đại Từ Điển

(人法二空) Cũng gọi Ngã pháp nhị không, Sinh pháp nhị không. Từ gọi chung Nhân không và Pháp không. – Nhân không: Chẳng chấp nhân ngã, vì thân người là do 5 uẩn giả hòa hợp, không có ngã thể làm chủ tể thường nhất. Quán xét về chân lí này gọi là Nhân không quán. – Pháp không: Chẳng chấp pháp ngã, vì các pháp sắc, thụ, tưởng… cũng qui về không, không có thực tính. Tiểu thừa chủ trương pháp là có thực, cho nên chỉ lập Ngã không; còn luận Thành thực thì cho rằng các pháp 5 uẩn (sắc, thụ, tưởng, hành, thức)cũng là không, cho nên gọi chung là Nhị không (Nhân không và Pháp không). Cứ theo Trung luận sớ quyển 18 của ngài Cát tạng, thì Nhân pháp nhị không có Tiểu thừa và Đại thừa khác nhau: – Không của Tiểu thừa là Tích không, Giới nội không, Đãn không. – Không của Đại thừa là Tính không, Bất đãn không, Bất khả đắc không. Ngoài ra, theo Hoa nghiêm kinh khổng mục chương quyển 3 của ngài Trí nghiễm, thì Nhân không của Tiểu thừa Thông giáo chưa thanh tịnh, đến Tam thừa mới thanh tịnh; Pháp không ở Tam thừa chưa thanh tịnh, đến Nhất thừa mới hoàn toàn thanh tịnh.[X. luận Thành duy thức Q.1; phẩm Quán tà kiến trong Trung luận Q.4; Đại thừa nghĩa chương Q.1; Hoa nghiêm sớ sao huyền đàm Q.4; Bát nhã tâm kinh lược sớ liên châu kí Q.hạ]. (xt. Ngã Không).