nhân năng biến

Phật Quang Đại Từ Điển

(因能變) Phạm: Hetu-pariịàma. Cũng gọi Nhân biến. Đối lại: Quả năng biến. Chủng tử(hạt giống)trong thức A lại da thứ 8 chuyển biến hiện khởi ra các pháp, gọi là Nhân năng biến. Rồi 8 thức do chủng tử sinh khởi, mỗi thức lại có năng lực từ tự thể của mình biến hiện ra 2 phần là Kiến phần và Tướng phần, gọi là Quả năng biến. Biến của Nhân năng biến là nghĩa chuyển biến, sinh biến; còn Biến của Quả năng biến thì là nghĩa biến hiện, duyên biến. Cứ theo luận Thành duy thức quyển 2, Nhân năng biến là chỉ cho tập khí của 2 nhân Đẳng lưu và Dị thục trong thức thứ 8, có năng lực chuyển biến sinh thành các pháp, vì thế gọi là Nhân năng biến. Đó là: 1. Đẳng lưu tập khí, cũng gọi Danh ngôn chủng tử. Tức chủng tử thân nhân duyên sinh ra các pháp, là tập khí do 3 tính thiện, ác và vô kí huân tập trong 7 thức trước mà thành. Vì tập khí này có thể dẫn sinh ra quả cùng loại với tự tính nên gọi là Đẳng lưu tập khí. Như nhân thiện dẫn sinh quả thiện, nhân ác sinh ra quả ác, đều do tác dụng năng biến của Đẳng lưu tập khí. 2. Dị thục tập khí, cũng gọi Nghiệp chủng tử. Tức chủng tử sơ nhân duyên sinh ra pháp. Loại chủng tử này do 2 nghiệp thiện và ác hữu lậu trong 6 thức huân tập sinh trưởng, có khả năng giúp đỡ để sinh ra quả không thiện không ác(vô kí), khác với thiện, ác của tự tính, vì thế gọi là Dị thục tập khí. Trên đây là nói theo tâm hữu lậu, còn nếu nói theo chủng tử vô lậu thì Thành duy thức luận thuật kí quyển 4 cho rằng, chủng tử và hiện hành của thức thứ 6 và thức thứ 7 chỉ có nhân quả Đẳng lưu, chứ không có nhân quả Dị thục. [X. Thành duy thức luận thuật kí Q.2, phần cuối; Thành duy thức luận liễu nghĩa đăng Q.3].