nhân minh nhập chính lí luận

Phật Quang Đại Từ Điển

(因明入正理論) Phạm: Nyàya-praveza. Tác phẩm, 1 quyển, do ngài Thương yết la chủ, người Ấn độ soạn, ngài Huyền trang dịch vào năm Trinh quán 21 (647) đời Đường, được thu vào Đại chính tạng tập 32. Tác giả Thương yết la chủ là đệ tử của Luận sư Tân nhân minh Trần na, vì bộ luận Nhân minh chính lí môn của thầy quá sâu xa khó hiểu, nên ngài Thương yết la chủ mới tóm lược yếu chỉ rồi thêm vào phần luận thuyết của mình soạn mà thành bộ sách này, để làm nền tảng cho lớp hậu học bước vào chính lí của Nhân minh. Nội dung tác phẩm này trình bày về nghĩa của 8 môn: Chân năng lập, Chân năng phá, Tự năng lập, Tự năng phá, Chân hiện lượng, Tự hiện lượng, Chân tỉ lượng, Tự tỉ lượng. Trong đó, Chân năng lập và Tự năng lập là phần chủ yếu của luận này, được trình bày rất chi tiết, rõ ràng; còn 6 môn kia thì chỉ nói sơ lược mà thôi. Chân năng lập chuyên nói về 3 chi: Tông (mệnh đề), Nhân (lí do) và Dụ (thí dụ), còn Tự năng lập thì nêu ra 33 lỗi (9 lỗi về Tông, 14 lỗi về Nhân và 18 lỗi về Dụ) của Nhân minh. Chỗ khác nhau giữa luận này và luận Nhân minh chính lí môn (gọi tắt: Luận chính lí môn) là: Ngoài việc bỏ bớt 9 cú nhân (9 trường hợp về Nhân)trong luận Chính lí môn để thay vào đó bằng 3 tướng nhân (ba điều kiện về Nhân) ra, ngài Thương yết la chủ còn dành quá nửa tác phẩm của mình để giải thích tỉ mỉ, rõ ràng về 33 lỗi của 3 chi Nhân minh. Cũng vì những điểm then chốt, cốt tủy trong bộ luận này được tác giả trình bày 1 cách sáng sủa, ngắn gọn, cho nên từ xưa đến nay được người đời học tập, nghiên cứu rộng rãi hơn bộ luận Chính lí môn. Tại Ấn độ, từ thế kỉ IX về sau, tín đồ Kì na giáo từng chú thích luận này. Còn ở Trung quốc, sau khi được Đại sư Huyền trang dịch sang Hán văn, thì các ngài Trần thái, Tĩnh mại, Khuy cơ… cũng lần lượt soạn sách chú thích, trong đó, đặc biệt bộ Nhân minh nhập chính lí luận sớ của ngài Khuy cơ là bản chú giải chi tiết rõ ràng hơn cả, đã có ảnh hưởng rất lớn đối với việc nghiên cứu Nhân minh học tại Trung quốc và Nhật bản. [X. Khai nguyên thích giáo lục Q.8; Chí nguyên pháp bảo khám đồng tổng lục Q.9].